Herbert Diess, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen cho biết, sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu “có thể dẫn đến một sự tăng giá lớn, khan hiếm năng lượng và lạm phát. Nó có thể rất rủi ro cho các nền kinh tế châu Âu và Đức”.
Lời cảnh báo từ một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất châu Âu được đưa ra khi các chính phủ phương Tây đang tập trung các nỗ lực kinh tế của họ để trừng phạt Nga, nhà cung cấp hàng hóa quan trọng trên toàn cầu từ khí đốt đến palađi.
Các lệnh trừng phạt được áp đặt cho đến nay - và viễn cảnh Điện Kremlin có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu - đã khiến thị trường năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
“Mối đe dọa của cuộc chiến này đối với Đức và châu Âu là rất lớn, đồng thời chỉ ra rằng lạm phát cao hơn có thể bóp nghẹt người tiêu dùng”, ông Herbert Diess cho biết.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đã đạt mức kỷ lục mới là 5,8% vào tháng 2 và được dự báo sẽ tăng cao tới 7% trong năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ giá cả tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong việc thiết lập chính sách tiền tệ.
Việc châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Nga về nhu cầu năng lượng đã dẫn đến sự khác biệt về các lệnh trừng phạt năng lượng, với việc Đức quyết định không hành động theo Mỹ trong tuần này trong việc áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn về nhập khẩu dầu từ Nga.
Theo đó, Nga đang cung cấp 45% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu vừa sưởi ấm cho các ngôi nhà vừa giúp cung cấp năng lượng cho lĩnh vực sản xuất của lục địa này.
“Đối với quốc gia phụ thuộc vào năng lượng, nguyên liệu thô của Nga như Đức, nếu tưởng tượng một viễn cảnh mà chúng tôi cắt đứt quan hệ kinh doanh với Nga, điều mà chúng tôi có thể sẽ phải làm nếu cuộc xung đột này không chấm dứt, chúng tôi sẽ không thể mua năng lượng nữa và điều này sẽ dẫn đến một tình huống có thể ảnh hưởng đáng kể đến châu Âu và Đức”, ông cho biết.
Volkswagen có 500.000 nhân viên ở châu Âu, tuần trước đã thông báo ngừng sản xuất xe ở Nga “cho đến khi có thông báo mới”, trong khi tạm dừng các địa điểm sản xuất ở Kaluga và Nizhny Novgorod. Các tập đoàn đối thủ của Đức là BMW và Mercedes cũng đã tạm dừng sản xuất hoặc bán xe của Nga.
Do dư âm về sự gián đoạn chuỗi cung ứng khi bắt đầu đại dịch vào năm 2020, Volkswagen đã buộc phải tạm thời ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Đức vì thiếu phụ tùng. Công ty đã phải vật lộn để bảo đảm các dây dẫn điện thường được sản xuất bởi các công ty có trụ sở tại Ukraine.
Mặc dù Volkswagen có 7.000 nhân viên tại Nga, nhưng thị trường này không đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh tổng thể của công ty. Volkswagen với các thương hiệu xe Skoda, Audi và Porsche khác chỉ bán được hơn 204.000 xe tại Nga vào năm ngoái trong tổng số 9 triệu xe trên toàn thế giới.