Thưa ông, ông có thể đánh giá về kết quả kinh doanh quý I/2017 của công ty?
Kết quả các mảng kinh doanh chính của Vietjet vẫn đang tăng trưởng tốt, lượng khách vận chuyển tăng 29,4% và doanh thu vận tải hàng không tăng 43,2%.
Về mảng chuyển giao và thuê tàu bay thì đặc thù là doanh thu ghi nhận ở thời điểm giao tàu, mà trong quý I/2017 này, Công ty không có kế hoạch nhận tàu bay mới nên không phát sinh doanh thu, trong khi đó cùng kỳ năm 2016, Vietjet nhận và có doanh thu từ 3 tàu bay.
Chính vì thế trên Báo cáo hợp nhất của Công ty ghi nhận lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ 31%. Điều này chỉ đơn giản là do thời điểm ghi nhận doanh thu và hạch toán lợi nhuận.
Về kế hoạch nhận tàu bay trong năm 2017 của Vietjet sẽ bắt đầu từ quý II. Các hợp đồng chuyển giao đã ký và trong quý II, Công ty bắt đầu nhận máy bay, doanh thu mảng này sẽ ghi nhận trên 5.000 tỷ đồng, theo đó lợi nhuận sẽ phát sinh tương ứng.
Tất cả các hoạt động đang theo tốt kế hoạch 2017 của Công ty.
Trong năm nay giá xăng đã tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, từ mức bình quân 12,33 triệu đồng/tấn quý I/2016 lên đến 17,90 triệu đồng/tấn cùng kỳ năm nay, dẫn đến tăng chi phí khai thác bay.
Nhưng chi phí vận hành (CASK) không bao gồm nhiên liệu của Vietjet đã giảm 4,1% xuống còn 2,34 cent trong khi doanh thu trên mỗi ghế mỗi cây số bay (RASK) tăng 3,2% lên 4,5 cent.
Chúng tôi tự tin ở khả năng kiểm soát chi phí của Vietjet đang nằm trong nhóm tốt nhất thế giới.
Vậy nhà đầu tư sẽ chờ đợi gì trong thời gian tới thưa ông?
Như tôi đã nói, trong quý II này, Vietjet sẽ nhận máy bay mới và sẽ được ghi nhận doanh thu 5.000 tỷ đồng và trong thời gian còn lại của năm, Vietjet chuẩn bị khai thác dòng máy bay mới A320/321 NEO giúp tiết kiệm 15% nhiên liệu.
Thực tế Vietjet còn rất nhiều dư địa để giảm chi phí hoạt động, ví dụ như hiện nay chúng tôi đang phải thuê ngoài các dịch vụ như bảo dưỡng ký thuật, trang thiết bị đào tạo huấn luyện và một số dịch vụ khác... Chúng tôi sẽ dần dần làm chủ các mảng này và giảm dần các chi phí liên quan.