Với tư cách là Giám đốc điều hành của Ban Thư ký APEC, ông bình luận gì về vai trò cũng như những đóng góp của APEC cho Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực cũng như toàn cầu?
APEC đã hoạt động được hơn một phần tư thế kỷ. Trong thời gian đó, APEC đã tập trung vào việc cải thiện khả năng hội nhập kinh tế khu vực bằng cách tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư ở các nền kinh tế thành viên, mà phần lớn là các nền kinh tế nằm xung quanh Vành đai Thái Bình Dương.
Cách thức đã và đang làm để đạt được mục tiêu trên là tập trung xem xét và giải quyết các rào cản truyền thống giữa các nền kinh tế thành viên, như các biện pháp thuế quan và phi thuế quan gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các nền kinh tế.
APEC cũng đang tăng cường xem xét cải cách cơ cấu và hài hòa hóa thủ tục giữa các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, xem xét các điểm nghẽn ở các chuỗi cung ứng xuyên biên giới và các trở ngại đối với việc đồng bộ hóa thương mại như di chuyển dữ liệu và thương mại điện tử.
Hướng đi trên đã đem lại thành công lớn cho APEC, góp phần làm giảm số người nghèo trong khu vực. Con số này là hơn 1 tỷ người trong hai thập niên qua. Đó là một thành tựu to lớn. Tất nhiên, không phải tất cả những thành tựu này đều do APEC mang lại, nhưng APEC và ý tưởng về hội nhập kinh tế khu vực là động lực chính mang lại kết quả này.
Tại Việt Nam, APEC đã góp phần vào sự tăng trưởng thương mại, đầu tư và khơi dậy các động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực.
Theo ông, làm thế nào để thay đổi quan điểm của công chúng về toàn cầu hóa và tiến bộ trong công nghệ - những yếu tố có thể tác động đến các chương trình thương mại của APEC?
Chúng tôi đã rất cẩn trọng khi nói về thái độ của công chúng đối với toàn cầu hóa và công nghệ, bởi vì các yếu tố này ở các nền kinh tế thành viên rất khác nhau.
Có thể nói rằng, ở một số nền kinh tế đã phát triển trong APEC, có những quan ngại ngày càng tăng về toàn cầu hóa và những tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với một số nghề nghiệp.
Nhưng ở các thị trường mới nổi, nói chung, công chúng có cái nhìn tích cực hơn về những lợi thế của toàn cầu hóa. Những gì mà Cơ quan Hỗ trợ chính sách của APEC đã làm cho thấy, có một mối quan hệ rất rõ ràng giữa sự cởi mở thương mại và tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa toàn cầu hóa và bất bình đẳng rất phức tạp và khác nhau giữa các nền kinh tế. Cách tiếp cận của APEC là tiếp tục tăng cường các lợi ích của thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, đồng thời chú ý hơn đến thực tế là một số công chúng và một số nền kinh tế có thể bị tổn thương do ảnh hưởng của cạnh tranh thương mại.
Trọng tâm của APEC là di chuyển hàng hóa với một hệ thống thương mại tiến bộ, nơi chúng ta có thể tìm thấy sự hài hòa trong các quy tắc đáng tin cậy. Để làm được điều này, chúng ta phải chú ý đến các quy tắc thương mại khác nhau ở các nền kinh tế khác nhau. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục hành động ở tầm đa phương và khu vực. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các căng thẳng thương mại song phương hiện nay sẽ được loại bỏ khỏi bàn đàm phán giữa các nền kinh tế.
Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về triển vọng APEC tiếp tục theo đuổi mục tiêu thực hiện tự do hóa thương mại, đầu tư trong khu vực vào năm 2020, hay còn gọi là Mục tiêu Bogor?
APEC từ lâu đã gắn chặt các hoạt động của mình với mục tiêu cải thiện thương mại và đầu tư. APEC thực hiện điều này thông qua hàng loạt sáng kiến, trong đó lớn nhất là Mục tiêu Bogor.
Mục tiêu Bogor là một bộ bao gồm các mục tiêu được đặt ra để theo đuổi tự do và mở cửa thương mại ở các nền kinh tế phát triển vào năm 2010. Chúng ta đã đạt được phần lớn trong số này, nhưng vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được. Ngoài ra, Bogor cũng đặt mục tiêu đạt được tự do và mở cửa thương mại ở các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020. Chúng tôi đã thấy một số kết quả và đang tiếp tục nỗ lực để đạt được các kết quả khác nữa.
Việt Nam đang thực hiện một kế hoạch để giúp chúng tôi xem xét hướng đi của APEC sau năm 2020. Ở giai đoạn này, chúng ta cần phải quyết định liệu có cần mở rộng các Mục tiêu Bogor, hay thúc đẩy phát triển ở các lĩnh vực khác.
Trong quá trình hội nhập giữa các nền kinh tế APEC, cơ hội thương mại cho cácdoanh nghiệp nhỏ là gì và theo ông, APEC nên làm gì để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ của các nền kinh tế thành viên?
Các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và các nền kinh tế khác trong APEC cũng vậy.
Nhưng khi xem xét về việc tham gia thương mại và đầu tư quốc tế, phải nói rằng, các hoạt động này đều liên quan đến các công ty lớn hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, chúng ta nhìn thấy triển vọng lợi ích từ các động lực tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ đến với những doanh nghiệp nhỏ hơn này. Chúng tôi khuyến khích các công ty nhỏ tập trung vào việc làm sao để liên kết được với chuỗi giá trị khu vực và tận dụng tối đa các công nghệ đang được sử dụng trong các nền kinh tế số và thông qua thương mại điện tử.
Điều đó có nghĩa là chúng ta đang xem xét một loạt khả năng kỹ thuật số giúp các doanh nghiệp nhỏ đưa hàng hóa và dịch vụ của họ vào các thị trường khu vực. Đồng thời, chúng tôi cố gắng hướng tới việc hài hòa hóa các cách xử lý bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, tiêu chuẩn dữ liệu toàn cầu, yêu cầu về nội địa hóa và các khía cạnh khác mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện.
Ông chờ đợi những tiến bộ gì mà các nền kinh tế thành viên APEC sẽ đạt được từ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017?
Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng nhau thảo luận về những thành tựu đạt được trong năm 2017 tại Đà Nẵng, xem xét trong bối cảnh những tiến bộ kinh tế toàn cầu và đặt ra hướng phát triển cho APEC trong năm tới.
Trước hết, tôi mong muốn nhìn thấy lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC khẳng định thêm nữa tầm quan trọng của việc tiếp tục hội nhập kinh tế khu vực để cải thiện mức sống của người dân và thúc đẩy các nền kinh tế tiếp tục phát triển. Theo tôi, lãnh đạo các nền kinh tế chắc chắn sẽ bàn về vai trò của hòa nhập xã hội và tầm quan trọng của việc làm sao để toàn cầu hóa đem lợi ích tới tất cả mọi người.
Đồng thời, tôi cũng mong muốn các nhà lãnh đạo bàn bạc chi tiết về các sáng kiến cụ thể để cải thiện hội nhập kinh tế khu vực, cải thiện an ninh lương thực trên các thị trường, hiện đại hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhiều sáng kiến khác mà APEC đã làm trong năm nay. Họ cũng thảo luận về những định hướng cho APEC trong tương lai.
Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung được hưởng lợi gì từ APEC? Những lợi ích này sẽ được tiếp tục như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Việt Nam giữ vai trò là chủ nhà Năm APEC 2017 - một năm khá khó khăn. Đã có sự quan ngại ngày càng tăng về toàn cầu hóa và những băn khoăn liệu một số hiệp định thương mại khu vực sẽ đi về đâu.
Việt Nam đang ở vị trí tốt để giải quyết vấn đề này, bởi vì Việt Nam là một thành viên tiềm năng trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thành viên của ASEAN và giữ vai trò là chủ nhà Năm APEC 2017.
Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng, tất cả các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau thảo luận xem hội nhập kinh tế khu vực sẽ tiến lên như thế nào và đưa ra kế hoạch hành động trong năm nay, một năm đặt ra những thách thức đối với tất cả chúng ta.