"Tôi không đến đây để dạy ghi chép về kế toán, mà Hội thảo bàn về chế độ kế toán mới đầu tiên phải có sự tham dự của các giám đốc CTCK", bà Lê Thị Hòa, Phó vụ trưởng Vụ chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính đã phải nói như vậy vào sáng 8/5/2013.
Sự vắng mặt của nhiều CTCK trong ngày đầu tiên tổ chức Hội thảo đặt ra một dấu hỏi về ý thức góp ý xây dựng văn bản luật và tuân thủ pháp luật của các DN, dù ai cũng biết rằng, buổi sáng là thời gian bận rộn của CTCK, do phải tập trung cho công tác giao dịch. Sau phát biểu trên, nhiều CTCK đã kịp cử người tham dự Hội thảo vào buổi chiều cùng ngày và hôm sau đó.
Tại sao giám đốc CTCK cần quan tâm và thảo luận về chế độ kế toán? Theo bà Hòa, vì chế độ kế toán hiện hành đã lạc hậu (ra đời năm 2008), lại được hình thành một cách chắp vá, nên lần này, Bộ Tài chính sửa rất nhiều, sửa những điểm rất lớn và cơ bản. Vì thế, rất cần tiếng nói từ CTCK, nhất là từ các giám đốc CTCK để phản biện, nhằm tìm ra một chế độ kế toán mới phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng vẫn khả thi ở Việt Nam.
Theo bà Hòa, quan điểm xây dựng Chế độ kế toán cho CTCK lần này dựa trên 4 điểm cơ bản. Một là tuân thủ Chế độ kế toán Việt Nam hiện hành; hai là căn cứ và hướng theo chuẩn mực kế toán quốc tế; ba là tham khảo và học hỏi các chuẩn mực tiên tiến đang được áp dụng (như với hoạt động tín dụng của ngân hàng) và bốn là tham khảo kinh nghiệm từ chính một số CTCK Việt Nam đang thực hiện tốt công tác kế toán.
Để gắn trách nhiệm của CTCK với quá trình xây dựng văn bản luật, lãnh đạo Vụ chế độ kế toán và kiểm toán yêu cầu 105 CTCK phải có 105 ý kiến gửi về UBCK, về Bộ và phải tham gia sát sao các cuộc hội thảo về chủ đề này.