Giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long: Chọn thầu cao tốc Bắc - Nam đúng quy định pháp luật và hồ sơ mời thầu

0:00 / 0:00
0:00
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long khẳng định, trường hợp nhà thầu khai gian trong hồ sơ, không đúng sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị loại khỏi dự án.
Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long.

Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long.

Ban quản lý Dự án Thăng Long là đại diện chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam là Mai Sơn – Quốc lộ 45; Dầu Giây – Phan Thiết.

Sau khi đã chọn xong Gói thầu XL – 03, thi công xây dựng đoạn Km47+672 - Km83, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và Gói thầu XL – 11, thi công xây dựng đoạn Km289+500 - Km301+000, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp cho 7 gói thầu xây lắp còn lại tại 2 dự án do Ban quản lý Dự án Thăng Long quản lý đang được thực hiện như thế nào thưa ông?

Cho đến thời điểm này, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu tại 7 gói thầu xây lắp còn lại thuộc 2 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết đều đã hoàn thành bước đánh giá hồ sơ kỹ thuật để tiến hành mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính.

Chúng tôi đang chỉ đạo Tổ chuyên gia đấu thầu đẩy nhanh tiến độ đánh giá hồ sơ dự thầu để có thể hoàn tất công tác quan trọng này để có thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến, đáp ứng tiến độ hoàn thành vào năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp thuận lợi, không xuất hiện các tình huống đấu thầu thì việc tuyển chọn nhà thầu cho 7 gói thầu xây lắp còn lại có thể kết thúc ngay trong tháng 10/2020.

Thưa ông quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu xây lắp tại 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam được thực hiện như thế nào?

Các gói thầu của hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ (hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính). Hồ sơ đấu thầu thực hiện theo hai bước: Đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu.

Theo quy trình, Tổ chuyên gia sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu sau đó báo cáo lãnh đạo Ban quản lý Dự án Thăng Long trình Cục Quản lý chất lượng xây dựng và công trình giao thông (Bộ GTVT) thẩm định. Sau khi Bộ GTVT phê duyệt kết quả hồ sơ kỹ thuật, nhà thầu nào đạt yêu cầu về kỹ thuật mới tiến hành mở tiếp hồ sơ đề xuất tài chính. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, nếu xuất hiện bất cứ tình huống đầu thầu nào, chúng tôi đều phải xin ý kiến của Bộ GTVT hoặc tham vấn Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và đấu thầu để đảm bảo tính pháp lý cao nhất.

Ban quản lý Dự án Thăng Long đã triển khai các biện pháp gì để công tác lựa chọn nhà thầu tại các gói thầu còn lại tại 2 dự án diễn ra công bằng, minh bạch?

Do đây là những dự án được Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí đầy đủ vốn ngân sách Nhà nước để triển khai thi công nên quá trình mời thầu các gói thầu xây lắp đã nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông trong nước.

Trong quá trình tuyển chọn nhà thầu tại 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, chúng tôi cũng đã nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của các cơ quan chức năng, truyền thông và sự giám sát chéo lẫn nhau của chính các nhà thầu tham dự. Tôi cho rằng, đây là điều rất thuận lợi giúp cho cuộc đấu thầu diễn ra công bằng, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Ngay trước khi tiến hành bán hồ sơ mời thầu cho các gói thầu xây lắp tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công, chúng tôi cũng đã nhận được chỉ thị của Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý Dự án liên quan phải tổ chức đấu thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu và các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, bảo mật thông tin trong đấu thầu theo quy định

Trên thực tế, Ban quản lý Dự án Thăng Long đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, trong đó việc lựa chọn các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu đều đáp ứng yêu cầu về trình độ, chuyên môn; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, giám sát chặt chẽ công tác quản lý hồ sơ như: lắp đặt camera, khóa niêm phong hồ sơ.

Trong quá trình chấm thầu, tất cả thông tin đều đánh giá dựa trên hồ sơ dự thầu của nhà thầu và các quy định tại hồ sơ mời thầu. Nếu tổ chuyên gia đấu thầu, cơ quan thẩm định cảm thấy nghi ngờ bất cứ thông tin nào đều phải khẩn trương làm rõ. Trường hợp nhà thầu khai gian trong hồ sơ, không đúng sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị loại khỏi dự án.

Bên cạnh yếu tố giá, tiêu chí công trình tương tự được đánh giá là bộ lọc quan trọng để chủ đầu tư sàng lọc, lựa chọn nhà thầu phù hợp cho gói thầu xây lắp. Tiêu chí này được dựa trên cơ sở nào?

Tiêu chí hợp đồng tương tự được quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu xây lắp, trong đó có yêu cầu nhà thầu trong vòng 5 năm gần nhất phải hoàn thành phần lớn khối lượng hoặc hoàn thành toàn bộ hợp đồng của một công trình có cấp và quy mô cấp công trình tương tự công trình đang mời hoặc đã hoàn thành 2 công trình có cấp thấp hơn một cấp.

Trên cơ sở Thông tư số 03, Ban quản lý Dự án Thăng Long đã trình Bộ phê duyệt Hồ sơ mời thầu có tiêu chí Hợp đồng tương tự ghi cụ thế như sau: "từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu với tư cách Nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ phải hoàn thành tối thiểu hợp đồng tương tự như sau: đã hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng thi công xây dựng có công trình đường bộ cấp đặc biệt ( móng cấp phối đá dăm, mặt đường bê tông nhựa) và có công trình cầu đường bộ cấp III trở lên (móng khoan nhồi, dầm bê tông cốt thép dự ứng lực) có giá trị >= ...".

Đồng thời, Hồ sơ mời thầu chỉ quy định thời gian hợp đồng hoàn thành. Như vậy các hợp đồng hoàn thành nằm trong khoảng thời gian từ 1/1/2015 đến nay có quy mô, cấp tương tự sẽ được xem xét đánh giá. Hồ sơ mời thầu là căn cứ pháp lý và để đưa ra cùng một mặt bằng để chọn lựa các nhà thầu đảm bảo tiêu chí của dự án, đáp ứng tiến độ của công trình.

Thưa ông, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu các gói xây lắp nếu phát sinh các tình huống đấu thầu hoặc phát sinh khiếu nại thì sẽ được xử lý như thế nào?

Việc phát sinh các tình huống đầu thầu hay khiếu nại là điều khó tránh khỏi bởi đây là điều đã từng diễn ra tại các dự án hạ tầng giao thông, kể cả các dự án đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

Như tôi đã nói ở trên, việc xử lý, giải quyết các tình huống đấu thầu hay làm rõ các khiếu nại của các nhà thầu đều phải tuân thủ nguyên tắc thực hiện theo đúng quy định về pháp luật đấu thầu và các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Đây cũng là cơ sở để có thể đảm bảo công bằng, khách quan cho các nhà thầu tham gia vào 2 dự án của chúng tôi.

Tin bài liên quan