Sự bùng nổ của công nghệ AI, vai trò của nhà quản lý AI ngày càng trở nên quan trọng
Công nghệ AI và động lực thúc đẩy đổi mới trong doanh nghiệp
Sự ra đời của các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh mạnh mẽ như ChatGPT, Bing AI, Microsoft Copilot, Gemini AI… mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của công nghệ. Công nghệ AI đã và đang thay đổi sâu sắc cách thức mà các doanh nghiệp hoạt động. Từ những tác vụ đơn giản đến những quyết định chiến lược, AI đều có thể hỗ trợ doanh nghiệp tự động và tối ưu hóa hiệu quả. Theo báo cáo của Accenture, 84% giám đốc điều hành được khảo sát tin rằng, AI sẽ giúp họ đạt được hoặc duy trì lợi thế cạnh tranh.
Với sự bùng nổ của công nghệ AI, vai trò của nhà quản lý AI ngày càng trở nên quan trọng. Một báo cáo gần đây cho thấy, 76% nhà lãnh đạo nhân sự tin rằng, nếu không áp dụng AI trong một đến hai năm tới, tổ chức của họ sẽ tụt hậu so với các tổ chức đang áp dụng. Bên cạnh việc đảm bảo triển khai và phát triển AI hiệu quả, các nhà quản lý AI còn phải đối mặt với những thách thức về đạo đức và pháp lý.
Tuy nhiên, không thể chối bỏ rằng, AI đang và sẽ trở thành động lực thúc đẩy thành công của tổ chức. Theo Araz và cộng sự (2023), thay vì xem AI và các công nghệ mới nổi liên quan là mối đe dọa đối với công việc hàng ngày, chúng ta nên xem chúng là công cụ để nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc.
Ông Hung Lee, chuyên gia về AI và nhân tài từ Recruiting Brainfood đã đưa ra lời khuyên đáng chú ý trong Báo cáo Xu hướng tuyển dụng 2024. Theo đó, các nhà lãnh đạo nhân sự nên tích cực đón nhận AI và tìm cách tích hợp công nghệ này vào quy trình làm việc ngay từ bây giờ. Thay vào việc tập trung vào tăng sản lượng, các tổ chức cần đầu tư nhiều hơn vào việc tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng công việc và tạo ra những giá trị mới nhờ vào AI.
Hầu hết các công ty đang cố gắng đưa ra lộ trình trong quản lý AI thông qua nỗ lực cơ cấu chính sách hoạt động nhân sự ở các vị trí lãnh đạo. Theo nghiên cứu mới của Personio, 81% nhà lãnh đạo đang khám phá hoặc sử dụng AI để cải thiện hiệu quả trong tổ chức và có tới 93% nhà quản lý nhân sự nhận thấy nhu cầu sử dụng AI để giảm chi phí hoạt động đang tăng mạnh. Điều này cho thấy, các nhà lãnh đạo cấp cao đang ngày càng nhận ra tiềm năng của AI trong việc tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả sản xuất.
CAIO trong thời đại số
Giám đốc AI (CAIO) là người đứng đầu bộ phận AI trong một tổ chức. Theo Nhóm khởi nghiệp công nghệ cao Ailantus, giám đốc AI chịu trách nhiệm định hình chiến lược AI, quản lý các dự án liên quan đến AI và đảm bảo rằng, AI được áp dụng một cách hiệu quả và an toàn.
Một cuộc khảo sát thăm dò vào tháng 6/2024 của Gartner với hơn 1.800 nhà lãnh đạo điều hành cho thấy, 55% các tổ chức có ban quản lý AI. Trong đó, 54% tổ chức có người đứng đầu AI hoặc một nhà lãnh đạo AI điều phối các hoạt động. Điều này cho thấy xu hướng tiếp cận AI một cách chuyên nghiệp và bài bản đang ngày càng phổ biến.
Việc thành lập các ban quản lý AI không chỉ thể hiện sự nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của công nghệ này, mà còn là một bước đi chiến lược để tối ưu hóa quá trình ra quyết định, nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một giám đốc AI tài năng là yếu tố quyết định sự thành công của nhiều doanh nghiệp. Theo Hilary Walton, chuyên gia chiến lược công nghệ của Microsoft, giám đốc AI không chỉ là người có kỹ thuật, mà còn là người kiến tạo tương lai, giúp tổ chức trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn và cạnh tranh hơn.
Việc xây dựng và phát triển một ban quản lý AI nói chung và giám đốc AI nói riêng sẽ là cần thiết để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong các quy trình sản xuất, kinh doanh. Bằng cách tập trung vào việc đào tạo nhân lực, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm, các doanh nghiệp có thể thiết lập một hệ sinh thái AI mạnh mẽ, vượt qua các thách thức và nắm bắt cơ hội để hội nhập phát triển trong thời đại số.