ĐTCK xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Việt Nam đã lấy lại niềm tin của các NĐT quốc tế
ADB và các đối tác phát triển khác đánh giá cao những nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam. Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thậm chí xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây. Tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối trong năm 2014 tăng cao. Việt Nam đã lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trên thế giới. Điều này được phản ánh rất rõ qua việc thứ bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được cải thiện, tạo thuận lợi hơn cho Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển kinh tế châu Á mới được công bố, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2014 là 5,6% so với dự báo trước đây là 5,5%.
Việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh sẽ giúp giảm chi phí của các doanh nhiệp và cả nền kinh tế, vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào rất quan trọng của nhiều ngành sản xuất. Các chuyên gia kinh tế của ADB nhận định, giá dầu giảm là “cơ hội vàng” cho các quốc gia nhập khẩu xăng dầu, vì có thể điều chỉnh lại các chương trình trợ giá nhiên liệu rất tốn kém đang áp dụng. Giá dầu giảm cũng có thể coi là một cơ hội cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Điểm sáng của kinh tế vĩ mô Việt Nam đã được đề cập nhiều, nhưng trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ xin nhấn mạnh đến những điểm chưa sáng của kinh tế Việt Nam.
Những điểm chưa sáng
Mặc dù đã thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết những yếu kém trong nội tại nền kinh tế. Chính phủ cần điều hành và chỉ đạo hệ thống tài chính sát sao hơn, cần áp dụng các nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có quy mô lớn. Những yếu kém trong cơ cấu này có thể là những nguyên nhân làm cho bất ổn kinh tế vĩ mô trở lại.
Việt Nam đã nhắc tới những tiến bộ trong cải cách DNNN, nhưng chúng ta ít được nghe về đến vấn đề chất lượng của công tác cổ phần hóa các DNNN. Trước hết, phải khẳng định rằng, tiến độ tái cơ cấu các DNNN diễn ra còn chậm. Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, góp phần làm tăng số lượng các DNNN được cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì cổ phần hóa chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Thực tế, công tác cổ phần hóa DNNN thời gian qua cho thấy, vì quá chú trọng vào việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa DNNN, mà vấn đề cải cách hoạt động để nâng cao hiệu quả thực sự của các DN này bị xem nhẹ.
Cổ phần hóa DNNN sẽ là một thắng lợi nếu các DN này được nâng cao hiệu quả và năng lực sản xuất – kinh doanh, đồng thời cải thiện các tiêu chuẩn quản trị DN. Tùy thuộc vào các ngành nghề của các DNNN mà Chính phủ có những cách thức tiếp cận khác nhau để đạt được hiệu quả theo đúng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ cho các ngành cụ thể. Chúng tôi chỉ khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của quá trình cổ phần hóa, mà cụ thể là nới lỏng những hạn chế về tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại DN trong nước và thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quá trình tư nhân hóa các DNNN được cổ phần hóa.
Vấn đề thứ hai mà tôi muốn đề cập là các giải pháp nhằm tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta cần thấy rõ tầm quan trọng của việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, để khu vực này đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân sẽ tối đa hóa các lợi ích của tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu và góp phần củng cố khả năng chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài. Bên cạnh việc thực hiện các cam kết tiến hành những cải cách cơ sở pháp lý cho kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN, bất luận thuộc sở hữu của Nhà nước hay tư nhân. Việt Nam cần phải đảm bảo phân chia một cách công bằng tất cả các lợi ích thông qua việc tạo ra một môi trường, mà ở đó khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam không những cần phải gia tăng số lượng các DN đăng ký kinh doanh, mà còn phải xây dựng năng lực cho các DN đang tồn tại để có thể tận dụng hết các ưu điểm của hội nhập kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã có các quy định pháp lý và các chính sách khuyến khích các DN, tuy nhiên, cần có cơ chế đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả các chính sách này.
Điểm mấu chốt cuối cùng là vấn đề tái cơ cấu đầu tư công. ADB đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường hiệu quả đầu tư công.
Ngoài việc tập trung đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng quan trọng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng cần xem xét tăng cường đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển nhằm cải thiện năng lực sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh và đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan ngại việc phê duyệt các dự án sử dụng vốn ODA theo quy trình hiện nay chậm hơn nhiều so với trước đây, vì phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về quy trình phê duyệt mới.
Vì vậy, chúng tôi cũng đã khuyến nghị với Chính phủ lồng ghép các quy trình phê duyệt đối với nguồn tài trợ ODA để đẩy nhanh khai thác các dự án phát triển và làm giảm chi phí giao dịch cho cả Chính phủ và các đối tác phát triển.
Nâng mức dự báo tăng trưởng lên 5,8% cho năm 2015
Trên cơ sở các yêu tố vĩ mô đang ổn định, ADB dự báo, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn vào những năm sau. Chúng tôi đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 5,7% lên 5,8% cho năm 2015, với giả thiết kinh tế Mỹ phục hồi và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tiếp tục chuyển biến khả quan và việc xử lý những yếu kém trong ngành ngân hàng trong nước tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, 5,5%.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn cần củng cố tài khóa để tạo ra khả năng cho các khoản chi tiêu quan trọng và xử lý các rủi ro và các vấn đề tiềm tàng từ tái cơ cấu ngân hàng và cải cách DNNN. Một cách thức tiếp cận toàn diện đối với tái cơ cấu ngân hàng là cần thiết, để giảm thiểu những nguy cơ rủi ro về tài chính vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Cần tiến hành các bước đi quan trọng như đánh giá phân loại ngân hàng theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn nghiêm ngặt hơn; tái cấp vốn kể cả thông qua sự tham gia nhiều hơn của nước ngoài và sử dụng các quỹ công theo điều kiện nghiêm ngặt đối với các tổ chức có hệ thống quan trọng; tiếp tục tăng cường sự giám sát chặt chẽ; tiếp tục cải cách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.
Việc đẩy nhanh tiến trình cải cách DNNN sẽ giảm bớt những rủi ro và hỗ trợ cho tăng trưởng nhờ cải thiện việc phân chia các nguồn lực trong xã hội. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những tiến bộ nhất định trong thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, song vẫn cần đẩy nhanh tiến trình này và cải thiện sự điều phối của các chương trình cải cách, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng rời rạc, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành. Quan trọng là những nỗ lực cần vượt qua việc cổ phần hóa từng phần và tập trung vào việc tăng cường công tác quản trị DN và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN.
Cuối cùng là Chính phủ cần tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, tăng cường hỗ trợ theo đúng mục tiêu phát triển DN trong những ngành trọng điểm, tối đa hóa sự lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài.