Tomoyuki Kimura

Tomoyuki Kimura

Giám đốc ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam 2014

(ĐTCK) Nhân dịp năm mới 2014, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã có bài viết dành riêng cho ĐTCK xung quanh vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.  

Chúng tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan đã có những thành công trong công tác điều hành để sang năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam luôn giữ vững kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, mà qua đó, kéo giảm lạm phát một cách đáng kể, tỷ giá hối đoái ổn định hơn, đóng góp cho thặng dư tài khoản vãng lai ở mức cao và mức dự trữ ngoại hối cao hơn.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm giải quyết tận gốc sự tái xuất hiện của bất ổn định kinh tế vĩ mô, chủ yếu là tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra chậm chạp.

Trước hết, tôi xin nói về tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam. Kinh nghiệm của ADB trực tiếp đúc kết từ những dự án thí điểm tái cơ cấu một số DNNN có quy mô lớn cho thấy, tái cơ cấu DNNN về mặt kỹ thuật là rất phức tạp, và đặt ra những thách thức đối với năng lực của khu vực công, nhất là về chi phí cần thiết. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục củng cố tình hình tài khóa và dự trù cho chi phí tái cấu trúc DNNN và hệ thống ngân hàng.

Một trong những vấn đề vướng mắc trong việc chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là có thể phải bán vốn dưới mệnh giá đối với các DN sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một loạt văn bản pháp luật, sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới nhằm nâng cao hoạt động của các DNNN, đồng thời nhằm tháo gỡ những rào cản hiện nay.

Trong quá trình soạn thảo các luật và các văn bản pháp quy khác, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ chú ý nhiều hơn nữa đến việc các quy định có tạo được sự kích thích để các DNNN tiến hành cải cách, và các thể chế hiện nay có đủ năng lực để thực thi các quy định này một cách có hiệu quả hay không.

Tại nhiều diễn đàn, cả Chính phủ, các đối tác phát triển và các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh rằng, phải đẩy nhanh tiến trình cải cách DNNN, không được chậm trễ. Nếu chậm trễ trong tiến trình tái cơ cấu cũng như cổ phần hóa các DNNN sẽ kéo dài thời gian để phục hồi nền kinh tế, làm chậm sự phát triển của thị trường vốn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư.

Trong năm 2013, chúng ta đã chứng kiến những kết quả đáng khích lệ từ những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành chính sách tiền tệ và những đóng góp quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, tăng cường dự trữ ngoại hối.

Chúng tôi cũng đánh giá cao những bước đi tích cực của NHNN trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như những nỗ lực trong việc tăng cường quản lý, xử lý, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Kỳ vọng chung vào NHNN là rất lớn, nhưng chúng ta phải khách quan nhìn nhận kết quả của việc xử lý nợ xấu nói chung và thành công của VAMC nói riêng còn phụ thuộc vào rất nhiều quy định pháp luật và các chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của NHNN. Hơn nữa, quá trình xử lý nợ xấu nói chung đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ.

Để giảm bớt được rủi ro với hệ thống ngân hàng và cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả, chúng tôi đã khuyến nghị NHNN nhanh chóng áp dụng Thông tư 02 để thực hiện triệt để các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Chúng tôi hy vọng NHNN sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn khi áp dụng Thông tư 02 ngay từ đầu năm 2014.

Tái cơ cấu kinh tế bắt buộc đòi hỏi sự tham gia và là trách nhiệm của liên bộ, ngành. Tuy nhiên, chúng tôi lại thấy các bộ, các ngành khác nhau độc lập trong soạn thảo các quy định riêng liên quan đến cải cách, mà không có sự tham vấn hay đóng góp một cách đầy đủ từ các bộ, các ngành hữu quan khác.

Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ cân nhắc việc tăng cường các thể chế nhằm hỗ trợ cho công tác điều phối liên ngành và đảm bảo việc giám sát một cách có hiệu quả công tác chuẩn bị và thực hiện các chính sách, quy định tái cơ cấu, đặc biệt tái cơ cấu DNNN.

Trong khi phải thực hiện hai mục tiêu quan trọng là giữ vững kỷ luật tài khóa và duy trì tính bền vững trong quản lý nợ, Chính phủ vẫn phải tiếp tục đầu tư để đáp ứng các nhu cầu phát triển và đảm bảo tăng trưởng hài hòa. Quản lý tài chính công phải được tăng cường để tối đa hóa kết quả đầu tư công, bao gồm cả các dự án sử dụng vốn ODA.

Việc xem xét nghiêm ngặt thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư công là cần thiết để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn đối ứng để triển khai đúng hạn các dự án sử dụng vốn ODA đem lại nhiều tác động xã hội tích cực.

Như mọi người đều biết, trong đối thoại chính sách với các đối tác phát triển tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định cam kết của Chính phủ sẽ đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa DNNN.

Cùng với những kết quả bước đầu trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu của NHNN và các tín hiệu về chính sách điều hành phát đi từ các cơ quan chính phủ, chúng ta có thể hy vọng về những chuyển biến mạnh mẽ hơn của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong năm mới.