Yêu cầu của giám định là phải kết luận khách quan, trung thực, chính xác, nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia và công ty bảo hiểm

Yêu cầu của giám định là phải kết luận khách quan, trung thực, chính xác, nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia và công ty bảo hiểm

Giám định bảo hiểm làm khó tòa án

(ĐTCK) Được coi là thành phần không thể thiếu trong bất kỳ tranh chấp bảo hiểm nào, nhất là trong các vụ kiện ra tòa, nhưng các công ty giám định thường tìm lý do từ chối tham dự, khiến việc xét xử gặp nhiều khó khăn.

VDA cung cấp 3 chứng thư giám định

Vụ tranh chấp đòi bồi thường tiền bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Thép Vạn Thành và bị đơn là Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) đã trải qua hơn 2 năm. Đến ngày 5/12/2017, sau 3 phiên xét xử phúc thẩm vẫn chưa đi đến hồi kết, chủ yếu là do liên tục vắng bóng cơ quan giám định bảo hiểm là Công ty cổ phần Giám định Việt Đông Á (VDA).

Sau nhiều lần được Toà án nhân dân quận 3, TP.HCM gửi giấy triệu tập, cơ quan giám định này vẫn từ chối quyền tham dự (có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt). Trong khi đó, kết quả giám định được thể hiện trong chứng thư giám định của VDA được coi là chứng cứ trọng yếu được các bên soi vào đó để đặt câu hỏi, tranh luận. Thậm chí, ở phiên sơ thẩm, đây được coi là căn cứ đặc biệt quan trọng để tòa tuyên án.

GIC đã căn cứ vào chứng thư giám định cũng như biên bản nhận hàng, thông tin khai báo tổn thất (số cuộn thép bị tổn thất là gỉ sét) để lập luận đây là tổn thất bị loại trừ theo quy định tại đơn bảo hiểm. Do đó, GIC cho rằng, việc từ chối bồi thường tổn thất đối với lô hàng cuộn thép của Thép Vạn Thành là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Thép Vạn Thành cũng lấy chứng thư giám định làm căn cứ để yêu cầu GIC bồi thường tổn thất.

Vấn đề nằm ở chỗ, trong vụ tranh chấp này có tới 3 chứng thư giám định, đều được cung cấp bởi VDA. Cả 3 chứng thư có cùng số VDA51605 ngày 15/9/2015, trong đó 2 chứng thư được ký tên Giám định viên Hoàng Thanh Tùng, đóng dấu hình chữ nhật, một chứng thư ký tên Trưởng phòng giám định Hoàng Thanh Tùng, đóng dấu tròn.

Tại phiên xét xử phúc thẩm lần hai, bên nguyên đơn là Thép Vạn Thành mới cung cấp một trong ba chứng thư trên, khiến đại diện bị đơn là ông Trương Minh Cát Nguyên và luật sư Hoàng Sang ngỡ ngàng (hai người này không trực tiếp tham gia xét xử ở vòng sơ thẩm, chỉ tham gia ở vòng phúc thẩm), còn cơ quan tòa án bối rối.

Do đó, trước thời điểm diễn ra phiên xét xử phúc thẩm lần ba, Tòa án nhân dân TP.HCM đã gửi công văn ngày 17/11/2017, hỏi bên giám định một số nội dung liên quan như có đúng là VDA đã phát hành 3 chứng thư giám định nêu trên hay không? Chứng thư sau cùng (đóng dấu tròn) có mâu thuẫn với 2 chứng thư trước đó (đóng dấu chữ nhật) hay không? Có bao nhiêu cuộc thép vị ẩm ướt, hoen ố do hiện tượng đổ mồ hôi/hấp hơi, bao nhiêu cuộn thép bị gỉ sét.

Nhưng theo Thẩm phán Ngô Văn Dũng, chủ tọa phiên tòa, câu trả lời nhận được từ phía cơ quan giám định là chung chung, không rõ ràng.

… và xin phép vắng mặt

“Do phải tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề về lợi ích của người lao động trong Công ty trước tình hình kinh tế khó khăn nên VDA xin phép không tham dự theo yêu cầu của Tòa án và đề nghị xem xét cho Công ty được vắng mặt trong các buổi hòa giải và xét xử/triệu tập của Toà án theo quy định của pháp luật”, VDA nêu lý do.

Một phần do không có sự tham dự trực tiếp của bên giám định bảo hiểm nên vụ án bị kéo dài, chưa thể đi đến hồi kết. Ở cấp phúc thẩm, sau 1 lần tạm hoãn, 1 phiên xét xử chưa có hồi kết ngày 8/11, phiên tòa xét xử phúc thẩm lần thứ ba diễn ra ngày 22/11/2017 tiếp tục bất thành. Cơ quan xét xử cho biết, cần có thêm thời gian xem xét, một phần do chưa thu thập đủ chứng cứ từ bên giám định là VDA.

Tình trạng chung?

Thẩm phán một tòa kinh tế tại TP.HCM cho biết, tại nhiều vụ tranh chấp bảo hiểm tương tự, cũng như tại một số mảng khác, cơ quan giám định thường không mặn mà tham dự phiên toà, thiếu thiện chí trong việc phối hợp giải quyết vụ việc.

Ông Nguyễn Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho hay, hiếm khi giám định viên chấp nhận hầu tòa, cho dù họ là người được phía đương sự chủ động thuê để giám định.

“Ngoại trừ những trường hợp “đi đêm” để đưa ra kết luận theo chiều hướng có lợi cho đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn), dẫn đến buộc phải tham dự phiên tòa, thì không dễ thuyết phục phía giám định tham gia”, luật sư Hùng nói.

Trong vụ tranh chấp bảo hiểm khác tại Hà Nội cách đây 2 năm, một công ty giám định cũng có cách hành xử tương tự VDA. Vụ việc bị kéo dài chỉ vì công ty giám định thiếu thiện chí, thiếu hợp tác.

Một công ty giám định khác (xin được giấu tên) chia sẻ, trong những vụ án như trên, cơ quan giám định có quyền từ chối tham dự phiên tòa và tham gia hầu tòa khiến họ mất nhiều hơn được, nên “tránh cho lành”.

“Vấn đề nằm ở trách nhiệm thực sự của một nhà giám định bảo hiểm đúng nghĩa. Đây là điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu tâm trong lựa chọn các nhà giám định sau này”, một chuyên gia bảo hiểm nói.

Tin bài liên quan