Giảm áp lực lên lãi suất, lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia, nới biên độ tỷ giá là quyết định hợp lý trong bối cảnh hiện nay, dù VND có thể chịu áp lực mất giá thêm. 

TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM

TS. Trần Hùng Sơn
TS. Trần Hùng Sơn

Các đợt tăng lãi suất USD của Fed trong thời gian qua và theo lộ trình còn tiếp tục tăng thời gian tới giúp đồng bạc xanh mạnh lên, thu hút các dòng vốn đầu tư về Mỹ. Nhằm giảm bớt sự chuyển dịch của dòng vốn, các nước phải tăng lãi suất và điều chỉnh tỷ giá để gia tăng giá trị đồng nội tệ.

Việt Nam trong thời gian qua giữ được giá trị đồng tiền do có dự trữ ngoại hối cao, nhưng nếu tiếp tục sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để cân đối cung - cầu, kiểm soát tỷ giá sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là khi lãi suất hiện đã tăng cao.

Từ nay đến cuối năm 2022, khả năng Fed sẽ còn 2 lần tăng lãi suất USD, nên áp lực đối với VND vẫn lớn, Việt Nam phải tính đến việc điều chỉnh lãi suất và không loại trừ cả tỷ giá. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những chính sách thận trọng và chúng ta chấp nhận điều chỉnh hợp lý như việc tăng biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% kể từ ngày 17/10. Mức tăng này thể hiện sự thận trọng, linh hoạt của cơ quan điều hành khi chịu cùng lúc nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát, duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài, hay giữ mặt bằng lãi suất không tăng cao để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, việc thay đổi tỷ giá làm cho giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng lên, tác động đến giá thành của hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, hầu hết các ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc vào nguyên vật liệu thế giới nên USD tăng khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên cao, từ đó làm tăng giá bán, gây áp lực lên lạm phát trong nước; còn với hàng xuất khẩu thì cũng chưa hẳn được lợi nhiều do nhu cầu tiêu dùng của các nước đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

TS. Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính

TS. Huỳnh Trung Minh
TS. Huỳnh Trung Minh

Nới biên độ tỷ giá sẽ giúp chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá ngân hàng thu hẹp, giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ USD. Các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ sẽ sớm bán lại cho ngân hàng để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro, đồng thời duy trì mối quan hệ lâu dài với các ngân hàng.

Điều chỉnh biên độ tỷ giá lên 5%, nguồn thu ngoại tệ đem lại sẽ nhiều hơn, gia tăng lượng dự trữ ngoại tệ và Ngân hàng Nhà nước bán ra ít hơn để điều tiết thị trường.

Thực tế cho thấy, điều hành tỷ giá trong thời gian qua có những khó khăn trước áp lực tăng lãi suất của Fed và các nước trong khu vực cũng như thế giới phải tăng giá trị đồng nội tệ. Đáng chú ý, việc Fed liên tục tăng lãi suất trong thời gian qua đã thu hút nguồn vốn USD quay về thị trường Mỹ nên khó tránh ảnh hưởng là dòng vốn chảy ra khỏi các nước đang phát triển.

Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ngân hàng muốn vay vốn nước ngoài phải trả lãi suất cao hơn so với trước đây. Với doanh nghiệp nhập khẩu, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu dùng nguyên liệu nhập khẩu cũng chịu áp lực nhất định khi tỷ giá tăng, song nếu có nguồn thu ngoại tệ sẽ được hưởng lợi.

Với xu hướng tỷ giá và mặt bằng lãi suất dần đi lên hiện nay, áp lực chi phí với các doanh nghiệp nhiều khả năng chưa dừng lại, bởi những tháng cuối năm 2022 là giai đoạn kinh doanh vốn cao điểm của ngân hàng, cho dù room tín dụng có phần hạn chế.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Chuyên gia tài chính - vàng

Ông Huỳnh Trung Khánh
Ông Huỳnh Trung Khánh

Từ đầu năm đến nay, giá trị đồng USD trên thế giới tăng cao, tất cả các ngoại tệ mạnh đều giảm giá sâu, như yên Nhật mất hơn 20% giá trị so với USD. Trong khi đó, VND mất giá khoảng 6%, không đáng kể.

Để giữ ổn định VND, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng ngoại tệ trong nguồn dự trữ ngoại hối, nhưng cũng không thể cứ bán ngoại tệ mãi nên phải tăng biên độ tỷ giá để phù hợp với tình hình của thị trường ngoại tệ.

Theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2022, Fed còn tăng thêm lãi suất nên USD được dự báo còn lên giá và khả năng áp lực lên tỷ giá còn tăng, buộc chính sách điều hành của cơ quan quản lý phải linh hoạt.

Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến lạm phát là điều khó tránh, song hiện lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức thấp nên cũng không đáng lo ngại và chúng ta cũng không thể làm khác khi USD tăng cao.

CPI tháng 9 của Mỹ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021. Dù CPI tháng 9 giảm 0,1% so với tháng 8 do giá năng lượng giảm 2,1%, nhưng lại tăng mạnh hơn so với mức dự kiến là 8,1%.

Đáng chú ý, CPI cơ bản (loại trừ giá năng lượng và lương thực) tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,3% so với tháng 8, do phí dịch vụ chăm sóc y tế tăng 6%, đồ đạc và hoạt động trong gia đình tăng 9,3%, doanh số mua xe mới tăng 9,4%, giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 7,2%...

Theo đó, Fed có thể sẽ đưa lãi suất cơ bản lên 4,5 - 4,75% vào cuối năm 2022, sau đó có thể là một số đợt tăng lãi suất nhỏ hơn vào tháng 2 và tháng 3/2023. Chu kỳ thắt chặt tiền tệ lần này của Fed có thể sẽ đưa lãi suất lên trên 5%. Do đó, áp lực lên tỷ giá là khó tránh khỏi.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

Việc nới biên độ tỷ giá sẽ khiến tỷ giá tiếp tục biến động mạnh, giá trị VND sắp tới có thể phải chịu áp lực mất giá thêm, nhưng những tác động của việc này là không nhiều.

Tác động đầu tiên cần cân nhắc khi để đồng tiền trượt giá là tác động đến lạm phát. Việc nới biên độ tỷ giá đồng nghĩa với việc để VND mất giá sẽ tác động một phần đến lạm phát.

Từ nay đến cuối năm, Fed có thể sẽ tăng lãi suất USD thêm hai lần, nên việc nới biên độ này cũng là để lường trước cả chuyện đó.

Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% trong tháng 9 vừa qua, cộng thêm việc tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ và nới biên độ tỷ giá có thể hấp thụ việc Fed tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022.

Cung - cầu ngoại tệ hiện nay ổn định, nhưng việc đồng USD tăng giá mạnh từ việc Fed tăng lãi suất vẫn sẽ gây áp lực cho tỷ giá giai đoạn từ nay đến cuối năm, không riêng gì với VND mà còn với các loại ngoại tệ so với USD. Khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND sẽ biến động theo.

Để kìm mức độ mất giá của VND, Ngân hàng Nhà nước có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất điều hành đã được tăng trong tháng 9 và dự trữ ngoại hối hiện đã chạm ngưỡng an toàn là 3 tuần nhập khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, tăng lãi suất không phải là một giải pháp hữu hiệu để chống lạm phát, bởi lạm phát chủ yếu là do chi phí đẩy. Chính phủ có chủ trương giữ mức lãi suất tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, nới biên độ tỷ giá thêm 2% là cần thiết, giúp giảm bớt áp lực tăng lãi suất, dù VND trượt giá thêm. Song so với khu vực và thế giới, mức trượt giá này chấp nhận được, vẫn trong tầm kiểm soát.

Tin bài liên quan