Nhiệm vụ đưa nợ xấu của các ngân hàng về mức 2-3% được đánh giá là rất nặng lề
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành ngân hàng đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của lộ trình tái cơ cấu hệ thống. Theo đó, đã giảm được 6 tổ chức tín dụng; xử lý cơ bản 9 ngân hàng yếu kém; an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng được bảo đảm, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được giảm dần, khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện.
Đồng thời, từng bước lành mạnh hóa tài chính, trọng tâm là tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (đã xử lý gần 106.000 tỷ đồng nợ xấu).
Tuy nhiên, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 diễn ra ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo, nguy cơ đổ vỡ của nhiều ngân hàng vẫn còn và ngành ngân hàng không thể chủ quan.
“Hệ thống ngân hàng đã an toàn, lành mạnh chưa, còn khả năng đổ vỡ hay không? Tôi thấy vẫn còn. Theo tôi biết, có một số ngân hàng, nếu không quyết liệt, bản thân không tự tái cơ cấu, NHNN không quyết liệt hỗ trợ, nhưng đúng luật pháp, thì sẽ khó khăn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo và chỉ đạo, với các ngân hàng yếu, nợ xấu cao, cho vay các công ty “sân sau” để lũng đoạn, ngành ngân hàng cần phải tiếp tục quyết liệt xử lý, nếu không, sẽ gây ảnh hưởng xấu cho cả hệ thống.
Trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, hiện nhiều ngân hàng TMCP nhỏ, yếu, kể cả một số ngân hàng vừa mới sáp nhập, hợp nhất đang lách trần huy động, với lãi suất huy động tiền gửi khá cao (8,5 - 9,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng). Nếu không sớm xử lý dứt điểm các ngân hàng này, nguy cơ bất ổn sẽ đe dọa cả hệ thống.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu mà các tổ chức tín dụng báo cáo khá thấp (chỉ khoảng 4,6%), nhưng nếu theo tiêu chí giám sát, thì lên tới trên 8%. Do đó, nhiệm vụ đưa nợ xấu về 2-3% còn rất nặng nề và đây không chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng, mà của toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, NHNN cần rà soát, ban hành các văn bản pháp luật để xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng.
Theo thông tin của NHNN, hiện cơ quan này đã xác định thêm được 8 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có 2 ngân hàng thương mại cổ phần. NHNN cũng đang tích cực chỉ đạo tái cơ cấu 3 ngân hàng liên doanh thuộc diện yếu kém hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, dự kiến, các đối tác Việt Nam sẽ thoái vốn tại 2 trong số 3 ngân hàng này. Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không hiệu quả cũng sẽ bị xem xét rút giấy phép trong thời gian tới.
Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ xử lý ngân hàng yếu kém của NHNN thời gian tới còn rất nặng nề. Và chắc chắn, năm 2014, làn sóng mua bán, sáp nhập, hợp nhất vẫn tiếp diễn trong hệ thống ngân hàng.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất, bên cạnh việc xử lý ngân hàng yếu kém, cần thành lập Hội đồng Ổn định tài chính có sự tham gia của NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia để sớm nhận diện rủi ro của hệ thống tài chính, ngân hàng.
“Trên thực tế vẫn tồn tại yếu kém trong việc tuân thủ và thi hành minh bạch và công bố thông tin. Có một số tổ chức tín dụng chưa hoặc chậm trễ công bố thông tin như luật định. Mặt khác, các thông tin cần công bố bao gồm cả thông tin định tính về hoạt động tài chính, hệ thống quản trị rủi ro, giao dịch với các bên có liên quan...”, ông Phước nhận xét.