Giảm 4 cặp sở hữu chéo trong ngân hàng

Giảm 4 cặp sở hữu chéo trong ngân hàng

(ĐTCK) Sáng nay (23/10) tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam và Báo Điện tử Diễn đàn Đầu tư đã tổ chức hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu”, đưa ra những góc nhìn về hệ thống ngân hàng Việt Nam sau tiến trình tái cơ cấu vừa qua...

Tại Hội thảo, một vài thông tin đáng chú ý được Cơ quan thanh tra Giám sát NHNN chia sẻ về gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng.  

Tính đến tháng 8/2015, vốn điều lệ của các ngân hàng liên tục tăng lên và đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với năm 2011, vốn chủ sở hữu đạt trên 500.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2011. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì sở hữu vốn và tham gia tái cơ cấu các NHTM (hiện có 17 NHTM cổ phần có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, trong đó có 09 ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài).

Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã được xử lý một bước quan trọng với số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012, xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay. Tình trạng 1 TCTD sở hữu cổ phần tại một số TCTD hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD đã giảm so với thời gian trước đây.

Các giải pháp xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là VAMC) góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ.

Theo đó, đến cuối tháng 8/2015, 91,2% nợ xấu của các TCTD ước tính tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Lũy kế từ năm 2012, đến tháng 8/2015, nợ xấu xử lý được đạt 424.140 tỷ đồng, trong đó khoảng 41% tổng số nợ xấu đã xử lý thông qua bán cho VAMC và 59% được TCTD xử lý thông qua các hình thức khác. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đến tháng 8/2015 chỉ còn 3,21%, ước đạt tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% đến ngày 30/9/2015 (tỷ lệ nợ xấu ước tính tháng 9/2012 là 17,2%).

Đặc biệt, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, thành công lớn của xử lý nợ xấu trong thời gian qua là không sử dụng ngân sách nhà nước và vay nợ nước ngoài, từ đó không ảnh hưởng tới nợ công và nguồn ngân sách hạn hẹp, phù hợp với tâm lý xã hội.

Kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng thời gian qua cho thấy khả năng sinh lời tiếp tục được duy trì, các NHTM tuy tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, nhưng vẫn đảm bảo khả năng đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Ngoại trừ 3 TCTD thua lỗ, lợi nhuận sau thuế năm 2014 của các ngân hàng khoảng 34.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 2013 và tăng 13,8% so với 2012.

Cần một ngân hàng trung ương độc lập hơn

Mặc dù đánh giá cao những kết quả tái cơ cấu đã đạt được trong thời gian qua, nhưng TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn sang các quốc gia trong khu vực sẽ thấy, các ngân hàng Việt Nam quy mô còn nhỏ, chất lượng hoạt động chưa bền vững, hiệu quả hoạt động còn chưa cao. Bên cạnh đó, sản phẩm-dịch vụ đa dạng, nhưng còn đơn giản, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng chưa cao, mức độ tham gia của ngân hàng nước ngoài còn khiêm tốn, năng lực quản trị-điều hành và quản lý rủi ro còn ở mức thấp. Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam nói chung còn thấp, trình độ công nghệ phát triển nhanh, nhưng còn nhiều thủ tục, giấy tờ…

Để có một hệ thống ngân hàng Việt Nam bản sắc hơn sau tái cơ cấu, theo TS. Lực, Chính phủ cần chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN, tái cơ cấu đầu tư công, nông nghiệp; tháo gỡ vướng mắc đảm bảo hoàn thành tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 1; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu; giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng vốn điều lệ các NHTM nhà nước đúng lộ trình; tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng); Kiên quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (thuế, hải quan, thủ tục hành chính….); chỉ đạo phối hợp chính sách hiệu quả hơn.

“Đặc biệt, chỉ đạo phát triển cân bằng thị trường tài chính (thúc đẩy phát triển thị trường vốn, quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo thêm kênh huy động vốn…), giảm tải hệ thống TCTD; nới room tham gia của tư nhân (cả nước ngoài) đối với 3 NHTM lớn (VCB, BIDV, VietinBank); Xây dựng kế hoạch phát triển 2016-2020 (tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng); định hướng, hỗ trợ hệ thống các TCTD hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt cam kết mở cửa hệ thống tài chính – ngân hàng”, TS. Lực nói.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội,Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng đồng thuận: “Mối quan hệ giữa ngân hàng và DN là mối quan hệ đồng hành, đồng trách nhiệm. Tôi có lợi anh có lợi, tức là cùng thắng hoặc cùng bại, không có người thắng, người bại… Do vậy, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể thành công nếu không tái cơ cấu được DN.

“Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiến tới một mô hình Ngân hàng Trung ương độc lập hơn”, TS. Lực bày tỏ quan điểm.

Tin bài liên quan