Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác vào cuối tuần này.
Thưa ông, các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi Covid-19, vậy tại sao không giảm thuế cho khu vực doanh nghiệp này?
Nếu ngân sách nhà nước “có của ăn, của để” thì hỗ trợ hết, nhưng thực tế, thu ngân sách nước ta năm nào cũng phải “giật gấu vá vai”, toàn bộ số thu cũng chỉ đủ chi thường xuyên, trả nợ và dành một phần để chi đầu tư phát triển.
Thu ngân sách năm nay còn khó khăn hơn rất nhiều, do hậu quả của Covid-19. Trong khi đó, chi ngân sách không thể giảm được vì đều là những khoản không thể không chi, như chi thường xuyên, chi thực hiện chính sách an sinh xã hội, chống Covid-19, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, nước biển dâng… Do đó, Chính phủ mới gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất 5 tháng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là thẩm quyền của Chính phủ. Còn việc giảm thuế suất thuế TNDN là thẩm quyền của Quốc hội và sau khi cân nhắc, tính toán, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Tôi nghĩ, đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ khi đặt trong bối cảnh cân đối thu - chi căng như hiện nay. Khi thực hiện thẩm tra Dự thảo Nghị quyết quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đồng ý với đề xuất này.
Nhưng điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cao hơn doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, trong khi chỉ có 89,7% doanh nghiệp nhỏ, 82% doanh nghiệp siêu nhỏ bị tác động tiêu cực bởi Covid-19, thì có tới 93% doanh nghiệp lớn bị tác động tiêu cực?
Trong 5 tháng đầu năm, có khoảng 16.500 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, gần 6.100 doanh nghiệp đã giải thể, trong đó toàn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số liệu này đã cho thấy, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn gặp khó khăn nhiều hơn, nhưng phải đóng cửa, phá sản, giải thể rất ít.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay, cần lựa chọn cứu khu vực doanh nghiệp nào? Chắc chắn là cứu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì nếu không, một bộ phận rất lớn khu vực doanh nghiệp này sẽ không thể tiếp tục tồn tại.
Như ông nói, hầu hết doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động do Covid-19 đều là doanh nhỏ và siêu nhỏ, vậy tại sao không giảm 50% thuế TNDN năm 2020, mà chỉ giảm 30%?
Nếu ngân sách nhà nước “rủng rỉnh” thì không phải giảm 30% hay 50%, mà có thể giảm 75% hoặc miễn luôn. Nhưng như tôi nói, ngân sách năm nay rất căng thẳng.
Về thu ngân sách nhà nước, trong 5 tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Thuế mới, hoàn thành chưa đến 40% dự toán và nếu loại trừ các khoản thu từ năm 2019 chuyển sang thì mới đạt khoảng 36% dự toán. Từ tháng 6 trở đi, thu ngân sách còn ”căng” hơn, vì khi đó mới thực sự “ngấm” hậu quả của Covid-19 và giãn cách xã hội. Trong khi đó, chi ngân sách rất khó giảm, ngoài việc tiết kiệm chi thường xuyên 10% theo dự toán và tiết kiệm thêm 10% nữa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Covid-19 không từ một ai, trong khi doanh nghiệp ít ra cũng được Nhà nước chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, còn đơn vị sự nghiệp có thu, đặc biệt là cơ quan báo chí thậm chí còn khó khăn hơn, nhưng không nhận được sự hỗ trợ, thưa ông?
Ban đầu, Bộ Tài chính chỉ đề nghị giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng sau khi thẩm tra, cân nhắc, tính toán, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Bộ Tài chính thống nhất trình Quốc hội áp dụng chính sách này với cả tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, tức là ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã, còn có cả đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập. Như vậy, các cơ quan báo chí cũng được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020.
Từ năm 2016, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đóng thuế như doanh nghiệp quy mô lớn với thuế suất 20%. Thưa ông, nhân cơ hội này, tại sao không áp dụng thuế suất ưu đãi luôn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định ưu đãi thuế cho khu vực này. Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để thực hiện chính sách ưu đãi với thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ; 17% với doanh nghiệp vừa, thay vì bị áp mức thuế suất 20% như doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, để làm được việc này, phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mất rất nhiều thời gian để tổng kết, đánh giá tác động, xây dựng dự thảo, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và trình ra Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, trong khi hầu hết doanh nghiệp đang rất khó khăn, chậm cứu ngày nào nguy ngày đó, nên trước mắt, thực hiện giảm 30% số thuế, sau đó Bộ Tài chính bắt tay vào việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.