Chứng khoán toàn cầu đã có 2 phiên giao dịch cuối tuần tràn ngập niềm vui, nhất là phiên cuối tuần khi các chỉ số đồng loạt tăng mạnh nhờ cuộc khủng hoảng Hy Lạp bất ngờ có tín hiệu tích cực.
Theo đó, sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật với hơn 61% cử tri không đồng ý với các điều kiện mà các chủ nợ đưa ra, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras lại bất ngờ đưa ra bản kế hoạch mới gồm 15 trang gửi đến các chủ nợ với việc chấp thuận gần như hầu hết các điều kiện mà các chủ nợ đưa ra tuần trước. Các điều kiện này bao gồm tăng thuế VAT, nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 tuổi dần lên 67 tuổi, kết thúc miễn giảm thuế cho các đảo trực thuộc…
Hiện Thủ tướng Tsipras đang thuyết phục Quốc hội thông qua để hợp thức hóa bản chào mới. Trong khi đảng Potami và đảng Dân chủ mới đối lập hứa sẽ bỏ phiếu thông qua, thì bản chào mới mà Thủ tướng Tsipras đưa ra lại gây ngạc nhiên lớn cho các nghị sĩ thuộc liên minh cảnh tả của ông.
Nếu đề nghị mới của Chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras được Quốc hội Hy Lạp thông qua, nhiều khả năng bế tắc của vấn đề nợ Hy Lạp sẽ được tháo gỡ trong tuần sau.
Ngoài thông tin tích cực về tình hình Hy Lạp, việc thị trường Trung Quốc có 2 phiên hồi phục mạnh cuối tuần cũng phần nào làm yên lòng giới đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này sẽ đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế và minh bạch hóa thị trường vốn, tiền tệ.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo thu nhập quý II bắt đầu với doanh thu khả quan của Pepsi và Alcoa. Tuy nhiên, theo số liệu của Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý II ước tính giảm 3,1%.
Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Dow Jones tăng 211,79 điểm (+1,21%), lên 17.760,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,31 điểm (+1,23%), lên 2.076,62 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 75,3 điểm (+1,53%), lên 4.997,70 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,17%, trong khi S&P 500 giảm 0,01% và Nasdaq giảm 0,23%.
Những nhượng bộ của Athens và hồi phục của chứng khoán Trung Quốc cũng làm yên lòng giới đầu tư chứng khoán châu Âu, giúp thị trường khu vực này có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, qua đó lấy lại những gì đã mất trong các phiên trước đó, thậm chí còn giúp các chỉ số chính của khu vực có tuần tăng điểm khá.
Kết thúc phiên 10/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 91,75 điểm (+1,39%), lên 6.673,38 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 319,22 điểm (+2,90%), lên 11.315,63 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 145,85 điểm (+3,07%), lên 4.903,07 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,33%, chỉ số DAX tăng 2,33% và chỉ số CAC 40 tăng 1,97%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, những biện pháp can thiệp mạnh tay của Chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã phát huy tác dụng, giúp chứng khoán đại lục và Hồng Kông có 2 phiên hồi phục mạnh cuối tuần. Đà bán tháo theo đó cũng tạm thời được chặn lại và với phát biểu mới nhất của Thủ tướng Lý Khắc Cường, cũng như việc nhóm BRIC thành lập ngân hàng phát triển riêng, cũng như quỹ hỗ trợ riêng của nhóm được kỳ vọng là thông tin tích cực, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trở lại.
Trong khi đó, dù rất nỗ lực, nhưng chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn chấp nhận đóng cửa dưới tham chiếu trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng của một số doanh nghiệp lớn khi công bố kết quả kinh doanh không tích cực.
Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 75,67 điểm (-0,38%), xuống 19.779,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 508,49 điểm (+2,08%), lên 24.901,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 169,61 điểm (+4,57%), lên 3.878,94 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,7%, chỉ số Hang Seng giảm 4,46%, trong khi nhờ 2 phiên tăng mạnh cuối tuần, chỉ số Shanghai Composit tăng 5,21%.
Trên thị trường vàng, dù những bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên thị trường đã có dấu hiệu lắng xuống, nhưng vàng vẫn có phiên tăng trở lại cuối tuần khi đồng USD giảm khá mạnh. Trong phiên cuối tuần, chỉ số USD giảm 0,77% xuống dưới ngưỡng 96. Trong tuần, chỉ số USD giảm 0,27%.
Tuy tăng trở lại trong 2 phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn không tránh khỏi tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 10/7, giá vàng giao ngay tăng 3,5 USD (+0,3%), lên 1.162,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,1 USD/ounce (+0,27%), lên 1.162,3 USD/ounce.
Trong tuần, cả giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 8 cùng giảm 0,47%. Mặc dù tiếp tục giảm giá, nhưng triển vọng của giá vàng đã được đánh giá lạc quan hơn sau 5 tuần liên tiếp giới đầu tư giữ quan điểm bi quan.
Tuần này, trong 538 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến Kitco News, có 289 người, chiếm 54% dự đoán vàng sẽ tăng trong tuần tới; 200 người, chiếm 37% vẫn cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 49 người, chiếm 9% giữ quan điểm trung tính.
Còn trong cuộc khảo sát 33 chuyên gia chuyên nghiệp, có 20 người trả lời, trong đó 8 người, chiếm 40% lạc quan về giá vàng trong tuần tới, 7 chuyên gia, chiếm 35% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 5 người, chiếm 25% có quan điểm trung lập về giá vàng.
Sau phiên hồi phục trước đó, giá dầu thô lại trở lại xu hướng lình xình như 2 phiên trước đó. Giá dầu ít biến động khi số liệu cho thấy, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ hầu như không tăng trong tuần này. Dù vậy, với phiên giảm mạnh đầu tuần, giá dầu vẫn có tuần giảm giá khá mạnh.
Kết thúc phiên 10/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,04 USD/thùng (-0,08%), xuống 52,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,12 USD (+0,2%), lên 58,73 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm tới 7,36%, giá dầu thô Brent cũng giảm 5,38%.