Có thể liệt kê hàng loạt doanh nghiệp quy mô lớn đang xếp hàng chờ IPO như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power, 3 tổng công ty phát điện của EVN, Tổng công ty Cà phê, 4 tổng công ty của Bộ Xây dựng gồm HUD, Sông Ðà, Idico, VICEM...
Áp lực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp ở khối địa phương là rất lớn. Ðơn cử từ đầu năm đến nay, TP.HCM chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa năm 2017.
Còn ở mảng thoái vốn, công việc không kém phần nặng nề. Thống kê của Ban Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số 22 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.
Thoạt nhìn vào kết quả trên, rất dễ dẫn đến suy đoán mục tiêu thoái vốn nhà nước đã hoàn thành. Nhưng nếu phân tích kỹ, trong số tiền thu được ở trên, có tính cả giá trị thương vụ thoái 5,4% vốn điều lệ VNM của SCIC vào đầu năm 2017. Chỉ tính riêng khoản này, giá trị thoái vốn đã xấp xỉ 11.000 tỷ đồng.
Như vậy, phần thoái vốn ở các doanh nghiệp khác hầu như không đáng kể. Mục tiêu thu về khoảng 7.000 tỷ đồng thoái vốn năm 2017 (thoái vốn VNM không đưa vào kế hoạch từ đầu năm) sẽ khó có thể đạt được nếu không quyết liệt triển khai tiếp trong các tháng cuối năm.
Nếu nhìn vào 12 doanh nghiệp quy mô vốn lớn phải thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, đến nay, đã có 11 doanh nghiệp niêm yết sẽ thấy thị trường chịu áp lực dồn toa đến mức nào.
Tất nhiên, những khó khăn trong quá trình cổ phần hóa, chẳng hạn như các quy định về định giá tài sản, đất đai, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng… đang được tháo gỡ. Song một trong những phần việc quan trọng, theo quan điểm của giới đầu tư là phải khơi thông sức cầu.
Làm thế nào để kéo những nhà đầu tư có vốn, cả trong và ngoài nước tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước? Nói một cách thẳng thắn, theo như lời của không ít nhà đầu tư, việc bỏ vốn vào những doanh nghiệp có nguồn gốc và bề dày lịch sử nhà nước rất hấp dẫn.
Ðó có thể là lợi thế thương hiệu, ngành nghề kinh doanh, thị trường và cả đội ngũ nhân sự lành nghề… Nhưng nếu không gỡ bỏ những rào cản đến từ sự minh định tài sản không rõ ràng, những cơ chế giải quyết các vấn đề hậu thoái vốn nhà nước như công nợ, nhân sự, đội ngũ quản lý..., nhà đầu tư khó có thể mặn mà bỏ vốn.
Tại một cuộc gặp gỡ với giới đầu tư tài chính mới đây, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, sẽ có một loạt chính sách mới được ban hành nhằm khơi thông sức cầu.
Ðơn cử, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 59 về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà Bộ đã trình lên Chính phủ đã bổ sung thêm phương thức dựng sổ khi chào bán cổ phần.
Các cơ quan quản lý cũng đang tính đến giải pháp bán nợ kèm cổ phần hoặc áp dụng giá khởi điểm tượng trưng cho các doanh nghiệp bên bờ phá sản.