Tạo sức bật cho đầu tàu
Gõ từ khóa “xe ô tô Vinfast” trên Google, lập tức cho hơn 6,6 triệu kết quả, trong đó có các site hướng dẫn cách thức mua xe vô cùng đơn giản và tiện lợi. Chưa đầy 1 năm sau khi dự án nhấn nút khởi động, giấc mơ xe của người Việt Nam đang dần thành hiện thực, mặc dù chắc chắn vẫn cần thêm thời gian để xe hơi Vinfast chứng minh nội lực và năng lực của mình, hiện thực giấc mơ vươn ra thế giới, tiếp tục thổi bùng lên niềm tự hào về thương hiệu Việt.
Những tổ hợp sản xuất ô tô, cảng hàng không quốc tế, nhà máy điện, chuỗi sản xuất chế biến thủy sản... của các tập đoàn gần đây đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều công trình, dự án lớn được xây dựng và triển khai, hứa hẹn là những động lực bứt phá cho tương lai. Một dự án được đưa vào hoạt đông không chỉ giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương, mà còn góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Ông Ðỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T Group cho biết, gần đây, rất nhiều tập đoàn nước ngoài muốn hợp tác với các tập đoàn tư nhân trong nước để triển khai các dự án tại Việt Nam. Với năng lực quản trị, vị thế mới của mình, các tập đoàn tư nhân có thể đem lại nhiều giá trị cho đối tác và ngược lại. Là các dự án phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao, song tính cầu thị của các tập đoàn tư nhân về công nghệ, năng lực vận hành, khả năng thu xếp vốn… sẽ là nhân tố góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, đưa chúng vào vận hành để có đóng góp lớn cho xã hội và nền kinh tế.
Có sự vào cuộc tâm huyết của các tập đoàn tư nhân, gánh nặng tài chính thường dồn lên vai Chính phủ với các dự án phải có bảo lãnh Chính phủ lâu nay sẽ được giảm tải. Bởi vậy, các tập đoàn tư nhân rất cần được tháo bỏ rào cản, được tin tưởng và trao dự án lớn để triển khai. Ðó là quan điểm của Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt. Lời giải cho bài toán về các dự án quy mô lớn, theo chuyên gia này, là cần chú trọng thu hút vốn tư nhân, vốn nước ngoài.
Nhìn rộng hơn về khu vực kinh tế tư nhân, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã có sự phát triển mạnh mẽ.
Trong hai năm 2017 - 2018, đã có 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động với hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động. Trong 2 năm qua, doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng, tạo ra gần 2,3 triệu việc làm mới.
Khu vực kinh tế này với sự năng động và linh hoạt vốn có, được ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tin tưởng, sẽ là động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sự cạnh tranh, linh hoạt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều điểm yếu của kinh tế tư nhân, nói rộng hơn cũng chính là điểm yếu của nền kinh tế. Ðó là năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khả năng tích tụ nguồn lực của khu vực này còn thấp.
Hiện mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN.
Một nghiên cứu của Economical cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng thấp hơn so với lãi suất trung bình khi vay vốn từ ngân hàng (xem bảng). Tỷ lệ lợi nhuận thấp gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân và cho các nhà đầu tư tiềm năng hiện đang cân nhắc khả năng đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước (hoặc là dưới hình thức một doanh nghiệp mới hoặc vào các doanh nghiệp hiện có). Các nhà đầu tư sẽ khó có động lực khi đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Hành động và quyết liệt hành động
Trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với 2.500 doanh nghiệp tư nhân ngày 2 - 3/5 tới, đã có nhiều ý kiến, nhiều giải pháp “hiến kế” với Chính phủ và các bộ ngành trong nhiều lĩnh vực, với mong muốn sớm có nhiều chính sách mới, cách giải quyết công việc nhanh chóng, gỡ bỏ nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị, cần tạo cơ chế phù hợp, đẩy nhanh tiến độ về quy trình và thủ tục để nhà đầu tư có điều kiện triển khai nhanh các dự án phục vụ hạ tầng du lịch, trong đó, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch là một yêu cầu cấp thiết, mang tính quyết định với thành công của dự án.
“Thủ tục cấp phép nhanh chóng, thông thoáng và được hướng dẫn rõ ràng cũng là kỳ vọng chung của các doanh nghiệp. Ngân sách dành cho đầu tư của các nhà đầu tư cũng không phải vô hạn, cần các phương án tài chính và dòng tiền thực tiễn, nên địa phương nào cấp giấy phép sớm hơn, thì chắc chắn chúng tôi sẽ huy động tiềm lực vào triển khai ngay để có thành quả sớm”, Chủ tịch BRG cho biết.
Các dữ liệu được Ngân hàng Thế giới công bố gần đây cũng cho thấy, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam chậm được cải thiện, thậm chí chững lại. Mức độ, hiệu quả cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp hơn nhiều quốc gia; đồng thời hiệu quả triển khai các chính sách, biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế còn hạn chế.
Chẳng hạn, so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục gia nhập thị trường và khởi sự kinh doanh vẫn còn phức tạp, Việt Nam chỉ được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Các nhà đầu tư chưa thực sự an tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất kinh doanh do nhiều yếu tố như gánh nặng chi phí và thời gian trong tuân thủ pháp luật và rủi ro pháp lý cao; độ an toàn trong kinh doanh, mức độ bảo vệ quyền tài sản và chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh còn thấp.
Xóa bỏ tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, hay các tảng băng ngầm về hệ thống quy định chồng chéo, thủ tục phức tạp “hành” doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ và là thách thức lớn đối với Chính phủ, cũng như chính quyền địa phương. Ông Trần Ðình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói và nhấn mạnh rằng, hệ thống giấy phép con, các thủ tục hành chính đã cắt giảm đáng kể nhưng mới chỉ là một phần phía trên, ẩn sâu dưới đó là những vỉa tầng rất khó cắt bỏ, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm lớn.
Lãnh đạo một tập đoàn tư nhân lớn khi được đề nghị đóng góp ý kiến đã nói nhỏ: “Dự án bên tôi rất vướng, do các quy định không thống nhất nhau, cơ quan quản lý cũng biết nhưng chưa làm gì được. Trình bày, nhờ hỗ trợ trực tiếp thì được, chứ nêu ý kiến tại hội nghị thì e rằng còn khó khăn hơn cho doanh nghiệp”.
Từ những tâm tư này, cũng dễ hiểu những “trận đánh lớn” sẽ còn nhiều cam go. “Nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá, nhất là về cải thiện môi trường kinh doanh và thiếu sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành của nhân dân và khu vực kinh tế tư nhân thì một số mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2020 khó đạt được, nhất là mục tiêu đạt được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 50% và tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.