Thông tin này có phần khiến nhà đầu tư lo âu vì họ không thể kiểm chứng được con số chính xác, trong khi các CTCK, dù có lưu ý về mức dư nợ margin tăng cao, nhưng lại không kèm theo một con số cụ thể nào. Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III/2014 của các CTCK có thể sẽ giúp nhà đầu tư giải tỏa phần nào những lo ngại liên quan đến margin.
Có thể tìm thấy số dư margin trên báo cáo tài chính hàng quý do các CTCK công bố. Nó nằm trong các khoản phải thu nhưng thường thì không được tách bạch một cách rạch ròi. Một số CTCK để số dư margin chung với số dư ứng trước, số khác để trong khoản “phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán” và rất nhiều trường hợp để trong khoản “phải thu khác”…
Với kiểu báo cáo như thế, số liệu về margin cũng chỉ là “áng chừng”. Theo chế độ báo cáo quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, hàng tháng, các CTCK phải báo cáo UBCK chi tiết số lượng tài khoản giao dịch margin, hạn mức tín dụng cho giao dịch margin, dư nợ margin, giá trị chứng khoán ký quỹ, nguồn vốn tài trợ, tiền lãi nhận được… Tuy nhiên, UBCK không công bố và hiếm khi cung cấp cho báo chí những con số này.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III của 22 CTCK có hoạt động môi giới tương đối sôi nổi trên thị trường, dư nợ margin và các khoản phải thu tại thời điểm cuối tháng 9 là 13.884 tỷ đồng (xem bảng). Lưu ý, như đã nói, con số này lớn hơn margin vì trong các khoản “phải thu khác”, “phải thu về giao dịch chứng khoán” hay “phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán”… không chỉ có margin. Nhưng giả sử tất cả đều là margin, để xem thử margin có lớn đến mức đáng lo ngại không!
Đối với những CTCK còn lại, nhiều trường hợp không đủ điều kiện để được phép thực hiện nghiệp vụ margin, số khác có nhưng con số không đáng kể. Nhưng vẫn giả sử một cách “phóng đại” rằng, số dư margin của các CTCK còn lại gộp chung bằng một nửa số margin của 22 CTCK trên thực hiện, lúc này tổng mức margin trên thị trường sẽ vào khoảng xấp xỉ 21.000 tỷ đồng, đương đương khoảng 1,72% giá trị vốn hoá toàn thị trường tại cùng thời điểm. Một số chuyên gia cho rằng, con số này dù là 2% vẫn chưa có gì đáng lo ngại.
Tuy nhiên, trường hợp “margin không chính thức” dưới dạng hợp đồng hợp tác ba bên giữa CTCK, ngân hàng và nhà đầu tư, liệu số dư mà các ngân hàng giải ngân cho nhà đầu tư thông qua trung gian CTCK có lớn?
Theo báo cáo tài chính của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), phải thu hợp đồng hợp tác ba bên đã tăng “chóng mặt”, từ gần 143,4 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 1.827,5 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9. Nhưng có lẽ không nhiều CTCK giống SHS, bởi ngân hàng dù đang thừa vốn, cũng không dễ dàng bỏ qua những quy định rủi ro để cho vay ồ ạt. Thông thường, chỉ khi ngân hàng là công ty mẹ hoặc cổ đông lớn của CTCK, mới dám hợp tác kiểu như thế.
Điều đáng lưu ý là số dư margin chỉ tập trung vào một số ít cổ phiếu có vốn hoá lớn. Tổng số lượng cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường hiện là gần 700 mã, nhưng số cổ phiếu được các CTCK cho phép giao dịch ký quỹ chỉ khoảng 150. Chỉ cần một vài phiên điều chỉnh mạnh, sẽ khiến áp lực giải chấp tăng lên.
Hơn nữa, đây cũng là những cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều, nên một vài phiên chốt lời với khối lượng lớn hoặc nhiều phiên bán ròng liên tiếp từ khối này có thể sẽ dễ dàng khiến thị trường dao động.
Triển vọng thị trường vẫn được đánh giá là tích cực. Nhà đầu tư này bước ra, sẽ có nhà đầu tư khác sẵn sàng nhảy vào. Thực tế, trong những phiên giảm điểm vừa qua, lực bán gia tăng, nhưng lực mua cũng mạnh không kém. Cả hai chiều đều có sự tác động của margin.
CTCK TP. HCM (HSC) vừa quyết định xin hạn mức từ 4 ngân hàng là HDBank, BIDV, Maritime Bank và Vietcombank tổng cộng lên đến 1.400 tỷ đồng, sẵn sàng đáp ứng khi nhu cầu margin tăng cao. Một số CTCK khác cũng có kế hoạch huy động thêm vốn để tiếp tục đẩy mạnh margin. Có lẽ, các CTCK không dám “liều” đến mức dùng margin để nhử nhà đầu tư vào chỗ “chết”, vì nếu nhà đầu tư “chết”, CTCK chắc cũng khó thoát khỏi kết cục này.