Cắt đứt chuỗi 5 tuần giảm điểm
S&P500 có nhịp hồi phục quyết liệt trong phiên 13/10. Trước đó, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ tích lũy lượng quyền chọn bán lớn trước thềm số liệu CPI tháng 9. Dữ liệu CPI tiêu cực nhưng không quá xấu và kích hoạt hiện tượng chốt lời hàng loạt trên quyền chọn bán, tạo áp lực cho các nhà tạo lập thị trường mua lại cổ phiếu với khối lượng rất lớn. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, động thái này dẫn đến việc giá cổ phiếu tăng mạnh.
Đồng điệu cùng nhịp đập liên thị trường, chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Doji tại 1.061.85 điểm, tăng 1,03%, với thanh khoản gia tăng.
Mẫu nến phục hồi nhưng chưa đủ động lượng để quyết định xu hướng khi chỉ mới lấp được 1/2 thân nến giảm trước đó. Thị trường chưa xác nhận thoát khỏi xu hướng giảm, chính vì vậy, nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn thận trọng, tập trung giao dịch với tỷ trọng nhỏ. Ở biểu đồ ngắn hạn, thị trường cho góc nhìn tích cực hơn khi xuất hiện phiên phục hồi thứ 3 với kỳ vọng phiên bùng nổ theo đà (FTD) sớm xuất hiện.
Trong tuần, thị trường chung ghi nhận sự trở lại của cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép; trong đó, nhóm ngân mang tính dẫn dắt điểm chỉ số hơn cả với BID, CTG, ACB… Đặc biệt, gây bất ngờ là chiến lược “bắt đáy” quyết liệt đến từ khối ngoại với chuỗi mua ròng lên tới 2.600 tỷ đồng trong tuần qua. Bóc tách từng cổ phiếu, hầu hết đà hồi phục vừa qua đang đưa giá về tiệm cận đường trung bình động xu hướng MA20, khiến vị thế mua có phần “rụt rè” và quan sát nhiều hơn.
Xu hướng điều chỉnh vẫn còn đó, nhà đầu tư giữ tâm lý giao dịch không quá hưng phấn; chỉ khi đà tăng được xác nhận mới là thời điểm gia tăng vị thế tham gia (VN-Index vượt vùng kháng cự 1.075 điểm kèm thanh khoản bứt phá).
Cổ phiếu thép có tín hiệu tạo đáy
Đối mặt với những thay đổi nhanh chóng trong nửa đầu năm 2022, bao gồm xung đột địa chính trị, chi phí nguyên liệu và những hạn chế của chuỗi cung ứng đã làm thay đổi chóng mặt về giá cả và nguồn cung toàn ngành.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguồn cung ngành thép toàn cầu có xu hướng thu hẹp, đặc biệt, trong giai đoạn giữa năm, giá nguyên liệu sản xuất neo ở mức cao nhưng giá thành phẩm điều chỉnh trung hạn khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn, kém hiệu quả.
Biến động địa chính trị tại châu Âu, áp lực giá nhiên liệu biến động đã khiến nhiều nhà máy đóng cửa và ước tính sản lượng khu vực này suy giảm 17% so với cùng kỳ. Giá thép cũng chịu mức điều chỉnh 45% kể từ vùng đỉnh trong tháng 4 năm nay.
Bối cảnh ngành thép trong nước không mấy lạc quan với sản lượng tiêu thụ giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo VSA, trong tháng 9, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,446 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ, tuy nhiên, bán hàng thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 9,9%. Tồn kho tháng 9 toàn ngành đang ở mức 1,49 triệu tấn (tương đương 110.000 tỷ đồng).
Với áp lực tồn kho kỷ lục, doanh nghiệp không chỉ nâng các khoản trích lập dự phòng mà còn điều chỉnh giá bán để kích cầu trong thời gian tới.
Nguyên nhân chính là do tiến độ triển khai đầu tư công và dự án bất động sản bị đình trệ, cộng thêm thị trường xuất khẩu và nhu cầu xây dựng kém sôi động do nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Nhìn chung, dự báo về kết quả kinh doanh cũng như biên lợi nhuận doanh nghiệp thép trong nước bị thu hẹp.
Có thể thấy, ngành thép chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố chu kỳ và phản ánh trực tiếp lên biểu đồ giá toàn ngành với mức điều chỉnh 50% kể từ vùng đỉnh, mạnh hơn mức giảm 30% của VN-Index.
Góc nhìn kỹ thuật, vận động ngắn hạn đang cho những tín hiệu tạo đáy sau khi chỉ báo RSI rơi vào vùng “quá bán” và tiệm cận dần kháng cự xu hướng (MA20).
Kỳ vọng trong thời gian gần, ngoại trừ thị trường châu Âu, biến chuyển tại thị trường nội địa cũng như chính sách tại thị Trung Quốc dần mở cửa sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng nếu ngưỡng, nếu không, chỉ số ngành thép tiếp tục gặp khó khăn tại ngưỡng kháng cự 90 điểm. Một số cổ phiếu đáng quan tâm với định giá P/B tiệm cận 1 là HPG, HSG, NKG.