Chứng khoán Mỹ đêm qua tạm dừng đà trượt dài sau hai phiên trong bối cảnh các nhà đầu tư mạnh tay rót tiền vào các cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế khi các doanh nghiệp mở cửa sản xuất kinh doanh trở lại sau khi chương trình tiêm chủng phổ biến rộng rãi.
Đầu tuần này, áp lực lên áp lực đè nặng lên phố Wall do lo ngại về sự gia tăng mới của các trường hợp nhiễm Covid-19 trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ và Nhật Bản.
Thứ Tư, Ấn Độ một lần nữa báo cáo kỷ lục hơn 200.000 trường hợp nhiễm mới trong ngày thứ bảy liên tiếp. Các bệnh viện của nước này đang dần quá tải, hết giường ICU và thiếu máy thở.
Còn tại Nhật Bản, các quan chức nước này cho biết đang cân nhắc việc ban hành tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và Osaka do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong những ngày gần đây. Ngoài ra, số ca tử vong do Covid-19 được xác nhận của Ireland hiện đã vượt qua số ca tử vong của Trung Quốc.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, giảm xuống mức 17 vào phiên đêm qua. Chỉ số này bất ngờ tăng 2 phiên liên tiếp vào đầu tuần này sau khi chạm mức đáy 14 tháng hồi tuần trước.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang cho thấy những tiến hiệu tích cực, nhưng kết quả đáng thất vọng từ Netflix vào cuối ngày thứ Ba đã khiến cổ phiếu của gã khổng lồ phát trực tuyến giảm 7,4% trong phiên.
Cho đến nay, đã có hơn 70 công ty thuộc S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 và mức lợi nhuận trung bình tăng 23% so với kỳ vọng từ các nhà phân tích.
Kết thúc phiên 21/4, chỉ số Dow Jones tăng 316,01 điểm (+0,93%), lên 34.137,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,48 điểm (+0,93%), lên 4.173,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 163,95 điểm (+1,19%), lên 13.9950,22 điểm.
Chứng khoán châu Âu đã phục hồi trở lại vào thứ Tư sau đợt bán tháo tồi tệ nhất trong năm nay nhờ sự lạc quan về một mùa báo cáo kết quả kinh doanh tốt làm giảm bớt lo lắng về tình hình gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm Covid-19 ở một số nước.
Kết thúc phiên 21/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 35,42 điểm (+0,52%), lên 6.895,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 66,46 điểm (+0,44%), lên 15.195,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 45,44 điểm (+0,74%), lên 6.210,55 điểm.
Chứng khoán châu Á chứng kiến mức giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/4, do số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng đã gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư trên toàn cầu.
Kết thúc phiên 21/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 591,83 điểm (-2,03%), xuống 28.508,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,013 điểm (-0,0004%), xuống 3.472,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 513,81 điểm (-1,46%), xuống 28.621,92 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 49,04 điểm (-1,52%), xuống 3.171,66 điểm.
Giá vàng phiên tiếp tục tăng trong phiên ngày thứ Tư nhờ lãi suất trái phiếu Mỹ giảm và đồng USD suy yếu, bất chấp thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Kết thúc phiên 21/4, giá vàng giao ngay tăng 14,80 USD (+0,83%), lên 1.793,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 14,70 USD (+0,93%), lên 1.793,10 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên đêm qua do lo ngại rằng Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, có thể áp đặt các biện pháp hạn chế mới khi số ca nhiễm mới và sô ca tử vong do Covid-19 tăng cao kỷ lục.
Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) hôm thứ Tư cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng cao hơn vào tuần trước.
Cụ thể, dự trữ dầu thô tăng 594.000 thùng trong tuần trước lên 493 triệu thùng, trong khi ác nhà phân tích kỳ vọng giảm 3 triệu thùng. Tuy nhiên, tồn kho ở Bờ Đông của Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục 7,9 triệu thùng.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tiết lộ, OPEC + đang chuẩn bị cho một cuộc họp kỹ thuật lớn vào tuần tới. OPEC+ có thể xác nhận hoặc điều chỉnh kế hoạch sản lượng sau quyết định nới lỏng hạn chế sản xuất vào tháng trước.
Kết thúc phiên 21/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,32 USD (-1,8%), xuống 61,35 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,25 USD (-2%), xuống 65,32 USD/thùng.