Thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, năm 2016, VIAC thụ lý 150 vụ, giá trị tranh chấp bình quân 14 tỷ đồng/vụ, trong đó các vụ tranh chấp trong nước chiếm 60%. Đây là tỷ lệ khác biệt hoàn toàn so với các năm trước, khi tỷ lệ đa số rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài. Thời gian giải quyết bình quân mỗi vụ trong năm 2016 là 153 ngày. Hiện cả nước có 16 trung tâm trọng tài.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, trọng tài viên VIAC, việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua con đường trọng tài ngày càng trở nên phổ biến, bắt đầu bắt nhịp với thông lệ quốc tế.
Mọi tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại đều có thể đưa ra giải quyết tại Trọng tài và các phán quyết của Trọng tài được đảm bảo cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Một cách phổ biến để xử lý các tranh chấp thương mại ở nhiều nước trên thế giới là đệ đơn kiện tới tòa án dân sự hoặc thương mại. Lựa chọn này cũng diễn ra ở Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài thường lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài. Hiện cách làm này được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng.
“Các doanh nghiệp ngày càng coi hoạt động trọng tài ở VIAC như là một phương thức linh hoạt và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp, thay vì khiếu kiện tại các tòa án Việt Nam. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp giá trị khiếu nại không bù đắp được chi phí và thời gian cần thiết cho thủ tục trọng tài quốc tế”, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết.
Một vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong quá trình nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ là trọng tài quốc tế thường được các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn khi gặp những tranh chấp đối với các hợp đồng giá trị lớn. Phán quyết của trọng tài quốc tế thường có hiệu lực tại phần lớn các khu vực tài phán trên thế giới theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (NYC).
Đa phần các nước thành viên NYC áp dụng các điều khoản NYC, các nước công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài trong phạm vi quyền tài phán của nước họ. Công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài quốc tế thông qua tòa án Việt Nam không là ngoại lệ. Nhiều vụ việc liên quan đến các hợp đồng giá trị lớn trong lĩnh vực hàng hóa (sợi bông, cà phê, gạo, trà...) thời gian qua đã chứng minh điều đó.
Để phản đối việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài không hề đơn giản. Trước hết, theo các điều khoản của NYC, nếu bên phải thi hành phán quyết phản đối việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, thì bên này cần đưa ra những bằng chứng để chứng minh cho sự phản đối của họ.
Nếu như trước đây, gánh nặng về bằng chứng thường bị các tòa án Việt Nam đảo ngược và bên được thi hành phán quyết bị yêu cầu chứng minh sự phản đối của bên phải thi hành phán quyết là không hợp pháp và không thể áp dụng được. Điều này khuyến khích bên phải thi hành phán quyết đưa ra phản đối nhiều nhất có thể để bên được được thi hành phán quyết phải bác bỏ. Nay tình trạng này đã giảm thiểu đáng kể.
Bên cạnh đó, NYC đưa ra những cơ sở rất hạn chế và mang tính đặc biệt khi bác bỏ một đơn xin công nhận và thi hành phán quyết. Các tòa án Việt Nam không dễ dàng ban hành quyết định bác bỏ đơn xin công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài dựa trên những cơ sở thiếu thống nhất với điều khoản của NYC.
Động thái tích cực là Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 246/TANDTC-KT về xử lý các yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thương mại và kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam, trong đó yêu cầu các thẩm phán áp dụng chặt chẽ các điều khoản của NYC.