Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc giải quyết tranh chấp bằng con đường tố tụng trọng tài đang ngày càng trở nên phổ biến, thể hiện qua nhiều chỉ số như lượng vụ việc giải quyết tranh chấp, lĩnh vực tranh chấp, giá trị tranh chấp ngày càng tăng. Qua đó, cũng cho thấy phương thức giải quyết này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp vì có nhiều ưu điểm khá rõ ràng, mà nổi bật hơn cả phải kể đến tính bảo mật cao và sự nhanh chóng.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hội đồng trọng tài xét xử không công khai

Đây là một điểm khác biệt cơ bản giữa tố tụng trọng tài so với tố tụng tại Tòa án. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải xét xử công khai. Mặc dù chính Bộ luật này cũng ghi nhận việc xét xử kín có thể được tiến hành trong một số trường hợp như cần giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Khi đương sự có nhu cầu xét xử kín, sẽ lập thành văn bản gửi đến Tòa án.

Việc chấp thuận hay không, xác định đây có phải là yêu cầu chính đang hay không còn phụ thuộc vào quyết định của Tòa. Thậm chí, dù đã được xác định thuộc trường hợp xét xử kín, nhưng khi tuyên án, Hội đồng xét xử vẫn có thể tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án.

Trong khi đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 ghi nhận rõ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai và chỉ thừa nhận ngoại lệ khi các bên có thỏa thuận khác đi. Trọng tài viên tham gia có nghĩa vụ giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc bảo mật nội dung vụ việc là nguyên tắc cơ bản của quá trình tố tụng trọng tài và mặc nhiên được áp dụng.

Trong một vụ việc được giải quyết bằng phương thức trọng tài, trước khi vào phiên họp giải quyết tranh chấp, thư ký của Trung tâm trọng tài cũng phải kiểm tra rất kỹ về phạm vi những người được tham dự phiên họp. Chỉ những người được các bên đăng ký và những người có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc giải quyết tranh chấp mới được phép vào phiên họp.

Đặc điểm này của thủ tục tố tụng trọng tài cực kỳ thích hợp với những vụ tranh chấp liên quan đến các thông tin mật của doanh nghiệp, thông tin về việc kinh doanh, cũng như nhu cầu hạn chế mức độ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp có thể phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp.

Phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm

Nếu như pháp luật tố tụng tại Tòa án luôn ghi nhận chế độ bảo đảm hai cấp xét xử (bản án, quyết định sơ thẩm được tuyên sẽ không có hiệu lực ngay, các bên sẽ có thời hạn 15 ngày để thực hiện thủ tục kháng cáo xét xử theo thủ tục phúc thẩm), thì Luật Trọng tài thương mại ghi nhận rõ phán quyết trọng tài là chung thẩm. Các bên không thể kháng cáo đối với phán quyết của Hội đồng trọng tài.

Chính vì vậy, mà một trong những ưu điểm không thể phủ nhận của thủ tục tố tụng trọng tài mang lại chính là điểm cộng về mặt thời gian. Thời hạn trung bình để giải quyết một tranh chấp tại các Trung tâm trọng tài thông thường sẽ nhanh hơn so với Tòa án.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mang tính hai mặt mà khi các bên dự định thiết lập thỏa thuận trọng tài cần phải lưu ý. Vì một khi phán quyết của Hội đồng trọng tài ban hành thì sẽ có hiệu lực ràng buộc các bên ngay lập tức, phát sinh trách nhiệm thực thi phán quyết của bên có nghĩa vụ.

Thế nhưng, nội dung phán quyết trọng tài được ban hành cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào bởi chất lượng, trình độ của các Trọng tài viên, thông qua quan điểm về vụ tranh chấp, việc lựa chọn vận dụng quy định pháp luật nào để giải quyết tranh chấp.

Với số lượng Trung tâm trọng tài và số lượng Trọng tài viên tăng lên nhiều so với trước kia, thì chất lượng của Trọng tài viên đương nhiên không thể đồng đều. Bên cạnh những luật gia, chuyên gia trong từng lĩnh vực tranh chấp, cũng có thể có những vị chưa thật sự có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong lĩnh vực nhất định.

Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, các bên tham gia tố tụng trọng tài cần lưu ý thực hiện quyền của mình trong việc lựa chọn Trọng tài viên. Theo pháp luật trọng tài thương mại, thông thường Hội đồng trọng tài sẽ có 03 Trọng tài viên.

Trong đó, nguyên đơn và bị đơn mỗi bên được quyền lựa chọn 01 Trọng tài viên. Các Trọng tài viên này sẽ bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Với quyền này, mỗi bên đều có thể lựa chọn Trọng tài viên có chuyên môn cao, chuyên gia trong lĩnh vực tranh chấp mà mình đang vướng phải, để nội dung phán quyết trọng tài khi được ban hành thật sự phù hợp với các tình tiết của vụ việc và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.

Với những ưu điểm như trên, tố tụng trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên có thể cân nhắc lựa chọn trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Và ngay từ khi bắt đầu đàm phán, thiết lập thỏa thuận trọng tài, nội dung điều khoản thỏa thuận cũng cần được chú trọng khi xây dựng, phù hợp với quy định pháp luật, để bảo đảm thỏa thuận này có hiệu lực áp dụng khi tranh chấp xảy ra.

Tin bài liên quan