Ngân hàng đầu tư có thể đóng vai trò dịch vụ tài chính trung gian, tư vấn, hỗ trợ việc xử lý các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu trong ngân hàng, giúp ngân hàng và doanh nghiệp tự giải quyết được vấn đề nợ xấu. Qua đó, làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cũng như giảm bớt sự can thiệp, hỗ trợ không cần thiết của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Loạn” con số nợ xấu
Tính đến ngày 30/4/2012, nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,18 nghìn tỷ đồng (35%) với tốc độ tăng trung bình 8,6%/tháng, cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước. Đây là những con số được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua về thực trạng nợ xấu và biện pháp khắc phục của ngành ngân hàng.
Tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo việc xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Một trong những giải pháp quyết liệt mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ với số vốn khoảng 100.000 nghìn tỷ đồng để giải quyết đang tình trạng nợ xấu tăng cao, lên đến 10% tổng dư nợ so với mức 6% cuối năm ngoái. Giải pháp này được đưa ra cùng với hàng loạt giải pháp khác trong cuộc họp mới đây giữa Ngân hàng Nhà nước với 14 ngân hàng thương mại lớn (G14+1).
Hiện đang có rất nhiều tranh luận về giá trị của khoản nợ xấu là bao nhiêu, 108,6 nghìn tỷ đồng hay tỷ lệ nợ xấu khoảng 13% tổng dư nợ (theo đánh giá độc lập của Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings trong đánh giá về tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng Việt Nam); hay từ 8,25% đến 14,01% theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong công bố mới nhất. Thảo luận của giới chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách về cách thức quản lý công ty mua bán nợ trị giá 100.000 tỷ đồng cũng là một chủ đề được bàn thảo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với một thực tế rằng, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù và hoạt động của nó ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia, các ngân hàng thương mại cũng thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn, bù đắp các chi phí vận hành, trích lập dự phòng theo quy định, hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận, có cổ tức chia cho các cổ đông và duy trì đà tăng trưởng. Khi gặp rủi ro trong kinh doanh, phát sinh các điều kiện bất lợi làm ảnh hưởng đến kết quả tài chính của ngân hàng, về nguyên tắc, các ngân hàng phải tự đứng ra giải quyết các vấn đề của mình, phối hợp cùng các đối tác kinh doanh để giải quyết nợ xấu và sau cùng là yêu cầu sự trợ giúp từ Chính phủ với vai trò là người điều hành nền kinh tế.
Vai trò dịch vụ tài chính trung gian
Mua bán nợ là một công cụ hữu hiệu trong việc giải quyết nợ nghi ngờ và nợ xấu trong sổ sách ngân hàng. Trừ một số lượng không lớn các trường hợp tín chấp, hầu hết các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo có thể dưới dạng động sản hoặc bất động sản. Bên cạnh việc mua bán các khoản nợ, việc chuyển sở hữu khoản nợ từ người cho vay đầu tiên sang một người khác thì việc mua bán, chuyển nhượng, thanh lý các tài sản đảm bảo là một giải pháp mang tính thương mại cao với mục đích người cho vay có thể thu hồi được vốn vay nhanh chóng. Tuy nhiên, khi vấn đề nợ xấu trở nên trầm trọng, việc chuyển nhượng các tài sản đảm bảo mất giá trị (distressed assets) trở nên khó khăn hơn, do việc giảm giá trị nặng nề và áp lực phải bán trong thời gian ngắn các tài sản đảm bảo.
Các tổ chức dịch vụ tài chính trung gian có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, hỗ trợ việc chuyển nhượng các tài sản đảm bảo này. Điển hình là dịch vụ ngân hàng đầu tư tại các quốc gia có nền tài chính phát triển và hiện tại, ở Việt Nam cũng đã có một số công ty chứng khoán là đối tác giúp các ngân hàng thương mại giải quyết việc xử lý các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.
Với khái niệm ngân hàng đầu tư là một chủ thể trung gian với chức năng chính là tư vấn và thực hiện huy động nguồn vốn trên thị trường vốn cho các khách hàng, các ngân hàng đầu tư có thể tư vấn các giao dịch chuyển nhượng với các tài sản cụ thể như một cơ sở sản xuất, toàn bộ công ty hay một lượng cổ phần của công ty, một bộ phận sản xuất - kinh doanh trong công ty, một dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật hay bất động sản, các khoản phải thu... Các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư bao gồm cả tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong đó, việc sử dụng các nghiệp vụ hoán đổi các chứng khoán nợ và chứng khoán vốn nhằm giúp doanh nghiệp đi vay có được dòng tiền vào tốt hơn, để có thể thanh toán được nợ ngân hàng qua việc giảm bớt lượng tài sản mà doanh nghiệp hay chủ sở hữu doanh nghiệp nắm giữ (gồm cả các tài sản hữu hình hay sở hữu cổ phần công ty).
Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán cho khách hàng cũng là một trong những nghiệp vụ ngân hàng đầu tư quan trọng giúp doanh nghiệp tăng dòng tiền vào qua việc phát hành các loại chứng khoán bao gồm chứng khoán nợ (trái phiếu) và chứng khoán vốn (cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi). Việc sử dụng các công cụ chứng khoán trên thị trường vốn sẽ giúp doanh nghiệp giảm được việc vay ngân hàng qua thị trường tiền tệ, do đó doanh nghiệp sẽ giảm bớt được áp lực vay vốn, trả lãi và ngân hàng có cơ hội giảm được tỷ lệ nợ xấu. Giải quyết vấn đề này có một nghiệp vụ ngân hàng đầu tư là tư vấn chứng khoán hóa cho doanh nghiệp. Chứng khoán hóa là quá trình tập hợp và tái cấu trúc các tài sản thiếu tính thanh khoản nhưng lại có thu nhập bằng tiền cao trong tương lai như các khoản phải thu, các khoản nợ rồi chuyển đổi chúng thành trái phiếu và đưa ra giao dịch trên thị trường tài chính. Về kỹ thuật, chứng khoán hóa được thực hiện trên hai nhóm tài sản chủ yếu, đó là: các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản và các tài sản tài chính không được thế chấp bằng bất động sản. Do đó, tương ứng với hai loại tài sản trên, sau khi được chứng khoán hóa sẽ hình thành hai loại chứng khoán là: các chứng khoán dựa trên thế chấp bất động sản (mortgage-backed securities) và các chứng khoán tài sản tài chính (asset-backed securities).
Một ưu điểm của dịch vụ ngân hàng đầu tư trong các nghiệp vụ tư vấn này là ngân hàng đầu tư đóng vai trò là tổ chức tư vấn tài chính chuyên nghiệp và trung gian, nên tạo điều kiện nâng cao tính minh bạch đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, cũng như tính tuân thủ các quy định của pháp luật.
Dù rằng các dịch vụ ngân hàng đầu tư không thể giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu ngân hàng do các yếu tố khách quan và chủ quan nội tại trong giao dịch giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng việc ngân hàng (người cho vay) và doanh nghiệp (người đi vay) cùng phối hợp tích cực với các tổ chức tài chính trung gian như ngân hàng đầu tư để xử lý nợ xấu, chuyển nhượng nợ vay, chuyển nhượng tài sản đảm bảo, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp... sẽ làm thị trường vốn phát triển hơn, thị trường tiền tệ quốc gia lành mạnh hơn. Đồng thời, việc ngân hàng và doanh nghiệp tự giải quyết tốt được vấn đề nợ xấu sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cũng như giảm bớt được sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và doanh nghiệp.