PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Thưa ông, chắc ông hài lòng với việc Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?
Luật Đầu tư công là bước đột phá trong quản lý vốn đầu tư nhà nước, góp phần vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư theo tư duy nhiệm kỳ, đầu tư không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội. Minh chứng là số lượng dự án đầu tư công giai đoạn trước lên đến 20.000 dự án, thì giai đoạn này giảm còn 9.620 dự án, trong đó đa phần là dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước.
Trước năm 2015, tình trạng nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đe dọa tới an ninh tài chính quốc gia, gây áp lực rất lớn lên cân đối ngân sách nhà nước hằng năm, hầu như bộ, ngành, địa phương nào cũng để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước cứ chạy theo để trả nợ.
Nhưng kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, còn tiền mới bố trí vốn cho dự án khởi công mới; dự án mới phải tìm được đủ nguồn mới được khởi công. Đặc biệt là quy định chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1/1/2015 (ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực). Nghĩa là, từ ngày 1/1/2015, bộ, ngành, địa phương nào để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản thì tự tìm nguồn trả nợ, vì thế, có thể nói, sau hơn 4 năm triển khai Luật Đầu tư công, về cơ bản, đã xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản. Điều này đã chứng minh hiệu quả của Luật Đầu tư công là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công đã phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công vô cùng chậm và đáng quan ngại là tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch có xu hướng chậm dần đều. Nếu như năm 2016, tỷ lệ giải ngân đạt 84,6% kế hoạch, thì đến năm 2017 giảm còn 81,8% và năm 2018 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 75,8% kế hoạch.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết. Luật Đầu tư công sửa đổi, về cơ bản, sẽ phát huy được những điểm tích cực, đồng thời khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Luật Đầu tư công năm 2014.
Ông tâm đắc những điểm nào nhất trong Luật Đầu tư công sửa đổi?
Hạn chế lớn nhất của Luật Đầu tư công năm 2014 là tình trạng giải ngân vốn hằng năm rất chậm, không năm nào đạt kế hoạch. Nguyên nhân có nhiều, nhưng mấu chốt là không biết “con gà có trước hay quả trứng có trước”.
Cụ thể, muốn có chủ trương đầu tư thì phải xác định được nguồn vốn và muốn có vốn thì phải có chủ trương đầu tư. Đây là cái vòng luẩn quẩn tương tự như trước đây quy định muốn nhập hộ khẩu thì phải có nhà và muốn có nhà thì phải có hộ khẩu.
Bây giờ luật quy định, kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 5 năm và hằng năm sẽ được Thủ tướng Chính phủ thông báo trước cho từng bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn đã được thông báo, các bộ, ngành, địa phương tự xây dựng chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương đầu tư và khi có quyết định đầu tư thì chắc chắn sẽ có vốn. Quy định mới này cộng với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư công sẽ gỡ được ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Có một thực tế không thể phủ nhận, là càng phân cấp, phân quyền thì càng đầu tư, mua sắm dàn trải, lãng phí, thậm chí là thất thoát, thưa ông?
Phân cấp, phân quyền là xu hướng tất yếu trong quản lý nhà nước hiện đại nhằm giảm thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của cấp dưới. Phân cấp, phân quyền không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nên không sợ lạm quyền, không sợ tái diễn tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư không tính đến hiệu quả, đầu tư không cần biết nguồn vốn.
Một trong 3 nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội phân vân trước khi ấn nút thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi là thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, thì cuối cùng cũng tìm được phương án. Ông đánh giá thế nào về phương án được chọn?
Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, có 2 phương án. Phương án thứ nhất là Quốc hội khóa cũ quyết định kế hoạch, danh mục đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau như hiện nay. Phương án thứ hai là Quốc hội khóa cũ xây dựng kế hoạch và danh mục dự án đầu tư công trung hạn, nhưng để Quốc hội khóa sau quyết định. Cả hai phương án đều có những điểm tích cực cũng như hạn chế, khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn.
Cụ thể, với phương án 1 thì tiến trình đầu tư công không bị gián đoạn, nhưng hạn chế là Quốc hội khóa cũ không biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sau thế nào, không biết mục tiêu tăng trưởng kinh tế ra sao, dự kiến thu ngân sách nhà nước bao nhiêu, nên khó xác định cụ thể được nguồn vốn đầu tư. Còn với phương án 2 thì khắc phục được hạn chế của phương án 1, nhưng đầu tư công bị gián đoạn trong thời gian Quốc hội khóa trước hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa sau chưa thông qua được kế hoạch cũng như danh mục đầu tư công trung hạn.
Cuối cùng, phương án tối ưu nhất cũng đã được tìm ra là Quốc hội khóa cũ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn gồm mục tiêu, định hướng đầu tư; tổng mức vốn; dự kiến mức phân bổ cho từng bộ ngành, địa phương…