Giải phóng nguồn lực đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian tới, nguồn lực vô cùng quan trọng của đất nước là đất đai có được giải phóng để tạo động lực đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao hay không, phụ thuộc rất nhiều vào chiếc “chìa khóa” - Luật Đất đai mới.
Toàn cảnh phiên thảo luận Dự án Luật Đất đai sửa đổi của các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Toàn cảnh phiên thảo luận Dự án Luật Đất đai sửa đổi của các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

1. Đất nước gần 40 năm đổi mới, chính sách, pháp luật về đất đai cũng đã có nhiều đổi mới, nhưng chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn cuộc sống.

Tất nhiên, những kết quả đạt được sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai hiện hành cần được ghi nhận. Con số định lượng được là thu ngân sách nhà nước từ đất đai không ngừng tăng lên hàng năm so với tổng thu ngân sách cả nước, từ 7,8% năm 2013 lên 16,85% năm 2020. Trong đó, chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (từ năm 2013 đến năm 2020, tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23% tổng các nguồn thu từ đất).

Nhưng, cũng có một con số khác liên tục được nhắc đến tại nghị trường, không mang ý nghĩa tích cực như thế. Đó là số đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai luôn chiếm khoảng 2/3 tổng số đơn thư hàng năm.

Cũng tính từ năm 2013 đến năm 2020, ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính đối với trên 3.700 tập thể, trên 16.200 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 169 vụ, 155 đối tượng có vi phạm về quản lý và sử dụng đất.

“Nhìn chung, đất đai vẫn chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, còn tình trạng sử dụng tùy tiện, thiếu hiệu quả, lãng phí’, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đất đai mới khái quát.

Trong khi đó, ở phiên thảo luận gần nhất (Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 30/8), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đất chật, người đông. Theo Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua, tổng diện tích đất các loại là 36,79 triệu ha, mà dân số đã vượt ngưỡng 100 triệu người.

“Cách đây 10 năm, theo báo cáo năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn lực đất đai của Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ 156 trên thế giới và thứ 9 trong khu vực ASEAN về chỉ tiêu diện tích đất theo đầu người. Tỷ lệ này sẽ còn giảm với tốc độ tăng dân số của nước ta từ năm 2013 đến nay. Yếu tố này cần được xem xét, đánh giá kỹ”, ông Nghĩa lưu ý.

Đất đai là tài nguyên hữu hạn. Bởi thế, mục tiêu được đặt ra đầu tiên khi sửa đổi Luật Đất đai là hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả.

2. Quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả là yêu cầu không cần bàn cãi và độ khó, sự phức tạp khi sửa đổi Luật Đất đai cũng dần dần lộ rõ qua từng phiên thảo luận, cả trong và ngoài phòng họp Diên Hồng (nơi Quốc hội họp các phiên toàn thể).

Được trình Quốc hội thảo luận lần đầu từ Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), lần hai tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023), Luật Đất đai mới dự kiến được Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 sắp tới.

Như vậy, thời gian để hoàn thiện trình Quốc hội thảo luận lần ba chỉ còn chưa đến 2 tháng, để Quốc hội xem xét thông qua cũng chưa đầy 3 tháng.

Thế nhưng, ngày 25/8/2023, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, “Dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, chưa lựa chọn được phương án hoàn thiện, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhưng chưa đủ căn cứ, cơ sở để chỉnh sửa. Nhiều nội dung cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất được chính sách, hướng tiếp thu, nhưng chưa thể hiện được vào các điều khoản luật và đang đề nghị làm rõ thêm”, như khái quát của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Lý do Dự thảo còn ngổn ngang như thế lại không hẳn từ tính phức tạp của các chính sách mới, mà một phần do sự phối hợp giữa hai cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra.

Cơ quan chủ trì thẩm tra cho biết một số nội dung vẫn đang phải chờ cơ quan trình làm rõ quan điểm về chính sách. Còn đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo phân trần rằng, “có những nội dung không được góp ý”, hay có những nội dung thống nhất ở cuộc họp đầu tiên đến cuộc họp thứ hai “lại ra vấn đề khác”. Rồi đã có những cuộc họp “nảy lửa”, nhưng ở dự thảo mới nhất, có những vấn đề Trưởng ban Soạn thảo “cũng không hiểu”.

Sốt ruột khi Dự thảo còn ngổn ngang, gần 30 nội dung chưa có quan điểm, chưa có chính sách lớn, chưa có đánh giá tác động, khó thuyết phục được Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ quá trình phối hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý, “đừng câu nệ” trong bài toán phối hợp.

“Mình phải lắng nghe nhau, những vấn đề chưa thực sự hiểu, không phải là chuyên gia, thì mình nêu vấn đề, phải lắng nghe các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan có chuyên môn nói. Các cụ đã nói, nói phải củ cải cũng phải nghe", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Sai một ly, đi một dặm

Dự án Luật Đất đai sửa đổi rủi ro lớn lắm, “sai một ly, đi một dặm”, nên càng cần phải minh bạch, càng phải rõ ràng các vấn đề mới được đề xuất là của ai, xuất phát từ đâu, thì mới hạn chế, phòng ngừa được việc cài cắm điều nọ, khoản kia, lồng ý kiến cá nhân vào. Không minh bạch, thì dễ bị cài lắm, cài mọi cơ quan, chứ không phải chỉ một cơ quan. Cơ quan thẩm tra cũng phải cảnh giác.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

3. Sau phiên thảo luận với nhiều “điểm nhấn” tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với các cơ quan liên quan, Ủy ban Kinh tế làm việc không kể giờ giấc để Dự thảo được hoàn thiện thêm một bước, phục vụ Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận vào sáng 30/8.

Ngoài Dự thảo mới nhất gồm 15 chương, 264 điều, báo cáo những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau dài 22 trang, cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn gửi đến các vị đại biểu Quốc hội 2 bản phụ lục. Phụ lục 1 thống kê các các nội dung thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các luật khác có liên quan. Phụ lục 2 gồm 20 nội dung đã được thống nhất tiếp thu, chỉnh lý tại Dự thảo.

Nhận tài liệu vào tối muộn cho phiên họp sáng hôm sau, chỉ có vài tiếng để nghiên cứu, song các vị đại biểu vẫn tiếp tục phát hiện, đề cập những vấn đề rất lớn cần tiếp tục được thể hiện, được hoàn thiện tại Dự thảo.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) dẫn Điều 53, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nghĩa, Dự thảo chưa có quy định về trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là người đại diện và toàn dân với tư cách là chủ sở hữu đất đai. “Trường hợp nào Nhà nước phải lấy ý kiến toàn dân, trường hợp nào phải do toàn dân quyết định? Nội dung này cần được nghiên cứu, bổ sung trong Dự thảo”, ông Nghĩa đề nghị.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Công Long bày tỏ lo ngại rằng, phương án quy định nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại có thể dẫn đến thỏa thuận xây dựng nhà ở thương mại trên đất không phải đất ở.

Đại biểu Long phân tích, Nghị quyết 18/NQTW nêu rõ “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp trong dự án đô thị nhà ở thương mại”. Tuy nhiên, nếu vận dụng nghị quyết này theo hướng cho doanh nghiệp thỏa thuận quyền sử dụng đất khác để kinh doanh dự án nhà ở thương mại thì rất nên cân nhắc.

“Không thể vận dụng theo kiểu thế này. Nghị quyết thì thuộc làu làu, nhưng chỉ trích những câu mình cần. Quy định như thế, thì doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản có quyền mua hết đất nông nghiệp, đất rừng chuyển sang mục đích xây dự án nhà ở thương mại”, đại biểu Long lo ngại.

Sau góp ý, tranh luận của 22 đại biểu, Trưởng ban Soạn thảo, Chủ nhiệm cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật đều được dành thời gian để tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, thể hiện tinh thần cầu thị để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật đồ sộ, tác động to lớn đến toàn dân - Luật Đất đai sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh còn cho biết, bộ này đang chuẩn bị dự thảo 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai sửa đổi trình tại Kỳ họp thứ sáu để đại biểu Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Tin bài liên quan