Giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công ngành y tế

0:00 / 0:00
0:00
Giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế chưa đạt kỳ vọng, dù có nhiều nỗ lực. Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế

Thưa ông, kết quả giải ngân đầu tư công trong những tháng đầu năm 2024 ra sao?

Thực hiện Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 2024, đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 56,7% cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư. Số kinh phí còn lại chưa phân bổ do một số dự án nhóm B đã quá thời hạn bố trí vốn theo quy định; Bộ y tế đã có các văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn.

Đến ngày 20/5/2024, Bộ Y tế đã giải ngân được 8,4% tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Y tế phấn đấu đến hết năm 2024 giải ngân cơ bản hết số kế hoạch vốn được giao sau khi các dự án chuyển tiếp được cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn; các dự án khởi công mới được duyệt dự toán và các dự án được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư công trong lĩnh vực y tế chưa phát huy hiệu quả do còn nhiều rào cản? Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Qua rà soát, Bộ Y tế nhận thấy, một số dự án hiện nay chưa phát huy hiệu quả, đang được Bộ Y tế tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan, đó là biến động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đã tác động đến kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu. Thể chế về đầu tư công, về xây dựng và các văn bản liên quan còn chưa thực sự đồng bộ, đang phải rà soát, hoàn thiện. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước còn có khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các cơ sở y tế.

Về chủ quan, chất lượng chuẩn bị một số dự án thấp; công tác khảo sát, thiết kế dự án còn hạn chế, dẫn đến một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh dự án. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên làm chậm tiến độ dự án. Một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng, ảnh hưởng đến việc cân đối vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.

Để tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, Bộ Y tế sẽ có những giải pháp nào trong thời gian tới?

Để tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Một là, tổ chức giao ban định kỳ với các chủ đầu tư để đôn đốc công tác giải ngân, tháo gỡ khó khăn; thực hiện dự án, thực hiện thi công 3 ca, 4 kíp để sớm đưa công trình đi vào sử dụng; triển khai công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thanh toán theo quy định.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo thủ trưởng đơn vị, chủ đầu tư yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn với khen thưởng hàng năm.

Ba là, khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện để tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; cam kết số vốn sẽ giải ngân, số vốn có khả năng không giải ngân để điều chuyển cho dự án khác có khả năng giải ngân.

Bốn là, phối hợp với các địa phương trong việc giải quyết vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng của các dự án.

Năm là, tổ chức kiểm tra, giám sát đầu tư tại các dự án để đôn đốc tiến độ thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới trong giải ngân đầu tư công hiệu quả, góp phần phát triển bền vững ngành y tế?

Trong thời gian qua, các nước trong khu vực và thế giới đã triển khai một số chính sách về quản lý đầu tư công nhằm tạo nền tảng, động lực tăng giải ngân đầu tư công.

Cụ thể, Nhật Bản triển khai các phương pháp phân tích chi phí - lợi ích để thẩm định tính hiệu quả của các dự án đầu tư công; chuẩn hóa, công khai quy trình và phương pháp thẩm định để đảm bảo tính minh bạch;.

Trong khi đó, Trung Quốc ban hành Luật Ngân sách nhà nước, Luật Mua sắm, Luật Quy hoạch phát triển, Luật về Kế hoạch và Dự toán để quản lý chi tiêu công của Chính phủ, tập trung vào các dự án phúc lợi xã hội, hạ tầng công cộng để tăng hiệu quả và phát huy vai trò chủ đạo của đầu tư công trong dẫn dắt đầu tư xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, kém phát triển.

Với Hàn Quốc, nước này thành lập trung tâm quản lý đầu tư công và tư để tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án đầu tư công có quy mô lớn và thành lập Nhóm đặc trách liên bộ để giải quyết các vấn đề về đầu tư công.

Hoa Kỳ thì tiến hành chương trình đầu tư công quy mô lớn đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

Còn nước Anh tăng cường nguồn lực đầu tư công cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ y tế, sinh học.

Qua kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc giải ngân vốn đầu tư công, thưa ông?

Trước hết, ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước để đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế vùng khó khăn, cơ sở kiểm nghiệm vùng, viện nghiên cứu y học, các bệnh viện phong, bệnh viện tâm thần.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các dự án đầu tư công trong đó có các dự án của ngành y tế.

Thứ ba, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra ngay từ đầu năm; sớm đưa các dự án, công trình y tế trọng điểm vào khai thác, sử dụng; góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Thứ tư, rà soát, đề nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thứ năm, nâng cao chất lượng ngay từ khâu khảo sát, lập dự án để tránh dự án phải chỉnh sửa nhiều lần.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý nghiêm các vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Tin bài liên quan