Giải pháp nào hạn chế tình trạng "án bỏ túi"?

Giải pháp nào hạn chế tình trạng "án bỏ túi"?

(ĐTCK) Hiện nay, khi tổ chức thi hành án, các vấn đề tranh chấp dân sự thường diễn biến phức tạp, có những bản án kéo dài hàng chục năm, gây bức xúc, tốn kém, mất lòng tin của DN vào hệ thống pháp luật, khiến nhiều DN phải nhờ tới “xã hội đen” để đòi nợ. 

>> Xem thêm kỳ 1: Thi hành án: Những số liệu giật mình

Nguyên nhân, bên cạnh tình trạng án tuyên không rõ nhưng Tòa án chưa kịp thời giải thích, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án; trình tự thủ tục thi hành án còn phức tạp, kéo dài…, thì câu chuyện về “án bỏ túi” không thể không nhắc đến, dù khó “chỉ tận tay, day tận trán”.

Bài 2: Giải pháp hạn chế tình trạng “án bỏ túi”

Theo số liệu thống kê của ngành tòa án, năm 2013 có 14.767 vụ án kinh tế được ngành tòa án thụ lý giải quyết, tỷ lệ án bị kháng cáo, kháng nghị lên cấp phúc thẩm là 1.191 vụ, cấp giám đốc thẩm là 127 vụ. 

“Án bỏ túi”: Nguyên nhân từ đâu?

Thuật ngữ “án bỏ túi” trong tố tụng dân sự là cách gọi những bản án, quyết định mà khi xét xử,  Hội đồng xét xử thay vì thực hiện đúng nguyên tắc tố tụng “Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, thì vì những lý do “tế nhị”, bản án, quyết định sau đó được tuyên theo phía có lợi cho những nguyên đơn/bị đơn/người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã một cách thiếu khách quan. Hậu quả của “án bỏ túi” là gây ra sự bức xúc cho phía thua kiện, khi mà chứng cứ, bằng chứng họ cung cấp kiểu “rõ như ban ngày” đã cố tình bị lờ đi trong phần “xét thấy” của Hội đồng xét xử.

Nguyên nhân của tình trạng “án bỏ túi” thì rất nhiều: năng lực và trình độ của đội ngũ thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử yếu kém; vai trò mờ nhạt của đội ngũ Hội thẩm nhân dân; sự can thiệp của chính các cấp lãnh đạo ngành tòa án (chánh án, chánh tòa…); sự can thiệp từ các cơ quan, ban ngành khác vào Hội đồng xét xử; sự tham nhũng từ một bộ phận cán bộ tham gia Hội đồng xét xử trước những cám dỗ vật chất mà các đương sự đưa lại…

Số liệu thống kê của ngành tòa án cho thấy, chỉ tính riêng năm 2013, có khoảng 8 - 10% án kinh tế (kinh doanh thương mại) bị kháng cáo, kháng nghị lên cấp phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm. Lĩnh vực dân sự còn nhiều bản án bị kháng nghị hơn (khoảng 9 - 10% án bị kháng cáo, kháng nghị)

 “Án bỏ túi”: Có khắc phục được không?

Trước hết, cần khẳng định rằng, việc Hội đồng xét xử ra các bản án, quyết định oan sai kiểu “án bỏ túi” làm xấu xí hình ảnh của ngành tòa án. Nó làm giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào tòa án, vào cán cân công lý. Nó cũng đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giảm thiểu tối đa tình trạng án oan sai, án bỏ túi - một trong các trọng tâm của công tác cải cách tư pháp.

Đứng về mặt quan điểm của người đứng đầu ngành tòa án, thì việc xử lý đối với án xử oan sai, xử kiểu “bỏ túi” là rất nghiêm khắc. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trước đó, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, “tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng tái bổ nhiệm các thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử). Trong thời gian tạm dừng việc tái bổ nhiệm thì áp dụng biện pháp cho đào tạo, bồi dưỡng lại hoặc đối với những thẩm phán có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% (trong một năm hoặc trong nhiệm kỳ tính đến thời điểm phát hiện) hay có bản án có sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của đương sự, phải bị tạm đình chỉ xét xử để kiểm điểm trách nhiệm, chuyển công tác khác”.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là xử lý phần ngọn của vấn đề. Theo quan điểm của người viết, để giải quyết triệt để tình trạng án xử oan sai, “án bỏ túi” thì có lẽ cần phải giải quyết triệt để nguyên nhân của tình trạng này. Trong đó, giải pháp trước mắt (thực hiện từ 1 - 3 năm) và lâu dài (thực hiện từ 3 - 5 năm, thậm chí 5 - 10 năm) là: (xem Bảng).

Kết luận

Khi xét xử, Hội đồng xét xử không nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhà nước để phân định đúng, sai trong các vụ việc, tranh chấp dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại… Chỉ có tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc tố tụng  được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” với một trình tự tố tụng công khai, thì mới giảm thiểu được án oan sai. Qua đó, tạo điều kiện cho quá trình thi hành án nhanh hơn, khiến các bên “tâm phục, khẩu phục” hơn.

 

Hải Phòng: Đình chỉ Chánh tòa Kinh tế do bị tố nhận 130 triệu đồng “bôi trơn”

Ông Đồng Xuân Thép (trú tại đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đã gửi đơn tố cáo kèm chứng cứ là băng ghi âm đến các cơ quan Phòng chống tham nhũng TP. Hải Phòng để tố cáo thẩm phán Ngô Văn Anh - Chánh tòa án Kinh tế  -TAND TP. Hải Phòng đã ép ông phải chi 130 triệu đồng để “bôi trơn”, nhưng cuối cùng vẫn xử ông thua kiện.

Ngày 28/11/2013, TAND Hải Phòng đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Ngô Văn Anh để điều tra về vụ việc trên.

Tin bài liên quan