Ông Trương Đình Tuyển.

Ông Trương Đình Tuyển.

Giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ là đồng bộ và toàn diện

(ĐTCK-online) Lạm phát 3 tháng đầu năm 2008 so với tháng 12/2007 là 9,19%. Mức lạm phát này liệu đã đến mức đáng báo động và một loạt giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã đủ “liều” để kiềm chế lạm phát? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia xung quanh vấn đề này.

Ông nhận định gì về tình hình lạm phát hiện nay của nền kinh tế?

Lạm phát là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Lạm phát tác động đến đời sống của các tầng lớp dân cư, nhất là những người làm công ăn lương và người nghèo. Lạm phát cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm trong trung và dài hạn; môi trường đầu tư và kinh doanh cũng xấu đi. Lạm phát hiện nay chưa đến mức phi mã như những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước; lúc đó, lạm phát lên đến trên 700%. Và như nhận xét của nhiều định chế tài chính quốc tế, cơ sở cho tăng trưởng cao trong trung và dài hạn ở nước ta hiện nay là vững chắc. Nhưng tỷ lệ lạm phát 12,63% trong năm 2007 so với tháng 12/2006 là cao và chúng ta phải kiên quyết kéo nó xuống.

 

Theo ông, lạm phát hiện nay có bao nhiêu phần trăm là do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và bao nhiêu phần trăm là do công tác điều hành của chúng ta?

Tôi không thể tính chính xác bao nhiêu phần trăm là do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và bao nhiêu phần trăm là do điều hành. Tuy nhiên, lạm phát ở nước ta là do sự tích hợp tác động của lạm phát tiền tệ (do tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao), lạm phát chi phí đẩy (giá trong nước bị đẩy lên do giá thế giới tăng trong điều kiện tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta bằng gần 160% GDP, trong khi nhập khẩu gần 90% GDP) và lạm phát cầu kéo (do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trong nước tăng và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, làm giá xuất khẩu tăng, kéo theo giá trong nước tăng).

Có ý kiến cho rằng, giá thế giới tăng tác động đến tất cả các nước, tại sao các nước lại không xảy ra lạm phát cao như ở Việt Nam . Thực tế, giá cả ở nhiều nước đều tăng cao. Hơn nữa, do độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu gần bằng 90% GDP nên tác động của giá cả trên thị trường thế giới đến mặt bằng giá trong nước là sâu rộng hơn nhiều. Cần chú ý là những nguyên nhân nói trên tác động trong một nền kinh tế mà hiệu quả đầu tư và cơ cấu kinh tế còn nhiều yếu kém và khiếm khuyết đã được nói đến trong nhiều báo cáo của Chính phủ nhưng chưa khắc phục được thì tác động của nó là sâu sắc hơn. Mặc dầu vậy, tiền tệ là yếu tố rất quan trọng và những yếu kém trong điều hành chính sách tiền tệ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát.

 

Chính phủ vừa đưa ra một loạt giải pháp, thể hiện quyết tâm ngăn chặn lạm phát. Theo ông, những giải pháp đó đã đủ “liều”?

Những giải pháp Chính phủ đề ra được thể hiện trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đồng bộ và toàn diện. Còn đã đủ liều chưa thì phải xem xét trên các chỉ tiêu định lượng. Ví dụ chính sách thắt chặt tiền tệ, thắt chặt bao nhiêu là hợp lý, là đủ liều? Thắt chặt nhưng phải bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế, phải tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá và xuất khẩu phát triển. Có thể nói, tính thanh khoản của nền kinh tế như máu lưu thông trong cơ thể, còn lạm phát như bệnh cao huyết áp. Huyết áp cao thì rất nguy hiểm, sẽ rất dễ xuất huyết não. Vì vậy, dứt khoát phải có thuốc trị nhưng lại phải để cho máu lưu thông. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng biện pháp mạnh để thắt chặt tiền tệ, rút cục là tính thanh khoản bị ảnh hưởng nặng, lại phải tung tiền ra để cứu thanh khoản. Rất may, tình trạng này đã được khắc phục. Tôi nghĩ, đấy cũng là lý do mà trong bài viết của mình, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải kiên quyết thắt chặt tiền tệ nhưng phải đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế. Đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cũng vậy. Hai khoản này chiếm 45% tổng đầu tư toàn xã hội. Vậy, sẽ cắt giảm bao nhiêu? Chưa có con số cụ thể. Tôi nghĩ, tới đây Chính phủ sẽ quy định cứng tỷ lệ này.

 

Ông có nhận định gì về giải pháp được một số chuyên gia kinh tế đưa ra là nên cắt giảm ngay 20% công trình đầu tư không hiệu quả bằng vốn nhà nước?

Đúng là có chuyên gia đề xuất nên cắt giảm 20%. Tôi nghĩ, họ đưa ra tỷ lệ như vậy chắc là có lý lẽ. Nhưng tôi chưa được nghe lý lẽ nên không thể bình luận. Tôi đồng ý với Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung rằng, không nên ngồi chờ tiêu chí thế nào là hiệu quả, không hiệu quả, mà nên áp đặt một tỷ lệ cứng. Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho các bộ và các tỉnh. Cơ quan nào duyệt dự án đầu tư thì cơ quan đó phải lựa chọn cắt giảm công trình nào. Và chắc chắn họ biết rõ cái nào không hiệu quả, cái nào chưa cần thiết. Cắt giảm bao nhiêu phần trăm là vừa? Chúng ta có thể xác định từ yêu cầu giới hạn mức tăng của tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng. Nhưng tôi nghĩ, con số 20% mà chuyên gia nói trên đề xuất cần được xem xét.

 

Ông nhận định thế nào về TTCK hiện nay?

Tôi cho rằng, TTCK nước ta chưa phải là hàn thử biểu của nền kinh tế bởi quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, số công ty niêm yết không nhiều, tỷ trọng trong GDP còn thấp, thị trường bị chi phối nhiều bởi tâm lý “bầy đàn”, một tỷ trọng rất lớn tiền mua bán cổ phiếu nằm trong dân cư, chứ không chuyển thành đầu tư phát triển sản xuất. Theo tôi, không nên can thiệp hành chính vào thị trường. (Xin nói thêm, cá nhân tôi cho rằng, phải kiểm soát kênh đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài và tôi băn khoăn về chủ trương cho nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán trực tiếp bằng ngoại tệ cũng như nới rộng tỷ lệ mua của đối tượng này, trừ khi điều đó là cần thiết để cứu nền kinh tế). Vừa rồi, Chính phủ có yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán và kêu gọi các ngân hàng khác cũng làm như vậy. Nếu ngân hàng nào thiếu thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho vay để bảo đảm thanh khoản là biện pháp cần thiết để tránh sự sụt giảm của TTCK ảnh hưởng đến các ngân hàng. Bởi nếu ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ tạo phản ứng rất bất lợi. Trên tổng thể, lợi nhuận trong kinh doanh chứng khoán phản ánh lợi nhuận của nền kinh tế. Thị trường sẽ điều chỉnh sự phân bố nguồn lực và làm cho các hoạt động kinh tế xoay quanh trục lợi nhuận bình quân. Đấy cũng là cái hay của kinh tế thị trường.