Giải pháp hạn chế “tín dụng đen”

Giải pháp hạn chế “tín dụng đen”

(ĐTCK) Tại Hội thảo “Hoàn thiện và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân (TDND)” do Thời báo Kinh doanh tổ chức sáng 23/5 tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng, nhờ hoạt động của hệ thống Quỹ TDND giúp người dân tránh được nạn tín dụng đen.

 Giải pháp hạn chế “tín dụng đen” ảnh 1

Có biểu hiện chạy theo lợi nhuận

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hoạt động của Quỹ TDND thời gian qua đã trực tiếp góp phần khai thác nguồn vốn tại chỗ, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất -  kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống của thành viên, qua đó hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quốc Mạnh, Vụ phó Vụ Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, sự hình thành và phát triển của hệ thống Quỹ TDND đã góp phần san lấp lỗ hổng trong hoạt động ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cung ứng dịch vụ ngân hàng đối với các đối tượng thường khó có khả năng tiếp cận được với các ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Mạnh, thời gian qua, một bộ phận Quỹ TDND chưa bám sát mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy trình tín dụng nên vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro trong hoạt động và gây ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống.

Đồng tình với đánh giá trên ông Nguyễn Tiến Huấn, Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội cho rằng, điều đó sẽ đe dọa đến sự tồn vong của hệ thống Quỹ TDND. Ông Huấn đề nghị, nên xây dựng các tiêu chí cụ thể về tính chất, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động để trên cơ sở các tiêu chí đó, rà soát Quỹ TDND nào hoạt động không đúng, hoặc biến tướng để lợi dụng chính sách ưu ái dành riêng cho mô hình Quỹ TDND.

“Khi các Quỹ TDND đã đi đúng quỹ đạo về tính chất, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động, thì uy tín, tác dụng của mô hình Quỹ TDND mới nổi trội và mang tính ưu việt khác hẳn các ngân hàng thương mại. Đây cũng là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của mô hình Quỹ TDND”, ông Huấn nói.

 

Kiến nghị ưu đãi lãi suất

Các đại biểu dự Hội thảo đều cho rằng, hệ thống Quỹ TDND hiện có quy mô hoạt động nhỏ nên hiệu quả không cao, dễ rơi vào tình trạng bị động, khó khăn. Tuy nhiên, bà Ri nhìn nhận: “Hiện nay, xã nào không có Quỹ TDND thì người dân ở đó rất khổ, bởi Quỹ TDND không những là địa chỉ gửi tiền, vay tiền gần gũi và tin tưởng của người dân, mà nhờ hoạt động của hệ thống Quỹ TDND giúp người dân tránh được nạn tín dụng đen”.

Ri bày tỏ sự bức xúc khi theo quy định hiện hành, hệ thống Quỹ TDND đang bị giới hạn địa bàn hoạt động. “Đây là một thách thức cho những Quỹ TDND có khả năng phát triển mở rộng quy mô”, bà Ri nói và kiến nghị, cần xóa bỏ cơ chế giới hạn địa bàn hoạt động của Quỹ TDND, miễn sao hoạt động của Quỹ đáp ứng được những quy định về chỉ số an toàn vốn, khả năng chi trả, giới hạn tín dụng…

Cho rằng nơi nào có nhu cầu vay vốn nhiều thì nơi đó việc huy động vốn tiền gửi sẽ khó khăn hơn, ông Huấn kiến nghị: “Ngân hàng Nhà nước không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài địa bàn, ngoài thành viên với Quỹ hoặc nếu có quy định thì chỉ nên quy định 1 tỷ lệ từ 20% đến 30% vốn huy động ngoài địa bàn hoạt động, chứ không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài thành viên”.

Bên canh đó, bà Ri cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cho hệ thống Quỹ TDND được hưởng cơ chế lãi suất ưu đãi giữa huy động và cho vay so với ngân hàng thương mại với khoản chênh lệch biên độ lớn hơn. Cụ thể là tăng lên 3%, thay vì hiện nay chỉ có 0,5%. “Chỉ có như vậy thì Quỹ TDND mới có điều kiện trang trải chi phí hoạt động và cho vay thành viên ở địa bàn nông thôn là những món vay nhỏ lẻ nhiều rủi ro”, bà Ri nhìn nhận.

Ở góc độ quản lý hành chính, ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Quỹ TDND xã Hưng Đông, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đề nghị: “Hệ thống Quỹ TDND cơ sở nên quy định một cấp quản lý là phù hợp. Hiện nay tôi thấy, Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh và cấp ủy chính quyền xã đồng quản lý là rất khó làm. Khi có Quỹ TDND cơ sở nào đó đại hội cơ cấu lại HĐQT thì giữa Ngân hàng Nhà nước và cấp ủy chính quyền hay xảy ra hiện tượng không thống nhất được thành phần tham gia, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của Quỹ”.