Giải pháp để quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG hiệu quả

Giải pháp để quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG có thể là một yếu tố tạo ra lợi nhuận, vì nếu quản trị tốt thì doanh nghiệp không những vừa có thể tiết giảm được chi phí mà còn có thể xây dựng tạo lợi nhuận bền vững. 

Đó là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" do báo Dân trí tổ chức ngày 29/8.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, để làm ESG thì tiền là một trong những vấn đề quan trọng. Quan trọng hơn nữa là bao nhiêu tiền và dòng tiền đến đúng đích không. Đồng thời, quản lý chi phí là điều chủ doanh nghiệp cũng cần lưu ý.

Tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, theo ông Trung, ban giám hiệu nghĩ đến năng lượng sạch và lắp điều hòa, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí. Nhờ điện mặt trời có thể mở điều hòa thoải mái, tiết kiệm chi phí.

Ông Trung cho biết thêm, kinh doanh giáo dục cũng cần xác định rõ mục tiêu lợi nhuận là gì và mục tiêu vốn đề ra phải thế nào cho hợp lý. Trước đây, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phải chi 2 tỷ đồng để thuê giáo viên làm đề thi. Giờ đây, khi sử dụng AI, với chi phí khoảng 1,4 tỷ đồng cũng có thể làm được, thậm chí AI còn tạo bài giảng cho giảng viên và nhiều hơn thế.

Việc đầu tư vào một sản phẩm cốt lõi chiếm khoảng 70% chi phí, thiết kế sản phẩm tối ưu hóa dòng tiền về. Vấn đề vẫn là tiền bao nhiêu, dòng tiền về đúng hay không. Vì thế, câu chuyện ESG là công cụ để doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn, tạo ra tiền, chứ không chỉ là quản lý chi phí. Muốn tăng lượng sinh viên, phải thu hút nhân tài, giáo sư. Công cụ tạo ra quản lý hiệu quả hơn. Quan trọng nhất phải truyền cảm hứng cho các đơn vị còn lại.

Doanh nghiệp làm ESG trước hết cũng cần xác định phải có tiền. Khi ít tiền mà muốn triển khai hệ thống công nghệ thông tin, ESG phải tự thực hiện. Để thực thi quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG, quan trọng là thiết kế đầu ra thế nào, thu hút được vốn đầu tư ra sao. ESG giúp doanh nghiệp tăng sức mạnh. Đầu tiên, triển khai ESG là phải xác định chi phí, sau đó là thiết kế sản phẩm mới kỳ vọng mang lại hiệu quả cao.

Trước nay, quản trị doanh nghiệp thường được coi là khoản gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và nếu không thực hiện đúng cách có thể dẫn đến tình trạng "lợi bất cập hại". Nhưng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG có thể là yếu tố tạo ra lợi nhuận, vì nếu quản trị tốt doanh nghiệp không chỉ vừa tiết giảm được chi phí mà còn có thể xây dựng tạo lợi nhuận bền vững hơn.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, phần lớn doanh nghiệp quan tâm mặt quản trị vì 2 lý do. Về vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam dựa trên thâm hụt lao động, môi trường, tài nguyên. Tỷ lệ doanh nghiệp lỗ thường trên dưới 50%. Doanh nghiệp lỗ ở khối FDI thì có, trong khi với doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam bị lỗ thì lý giải theo cách nào cũng từ vấn đề quản trị.

Nếu doanh nghiệp bị lỗ thật là do kết quả kinh doanh kém. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp cứ báo cáo lỗ nhưng thực tế có lãi thì sẽ rất khó để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Việc thực hành ESG toàn cầu có áp lực đối với doanh nghiệp Việt, làm cho chi phí tăng lên nhiều, do đó doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi.

"Khi thực hành ESG sẽ khắc phục những yếu điểm về quản trị. ESG là xu hướng của thế giới, chúng ta có thể tối ưu chi phí, tối ưu hóa tài nguyên. Khi chuyển động theo ESG có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh - dù không rẻ nhưng là vốn trung và dài hạn dựa trên tính chất để có cơ hội tiếp cận vốn, khắc phục vấn đề trong cấu trúc vốn trong bối cảnh chỉ dựa vào tín dụng.

Chuyển động ESG mở ra cơ hội kinh doanh mới, doanh nghiệp có thể kết hợp, tối đa hóa và giảm thiểu rủi ro. Với những vấn đề nội tại trong quản trị doanh nghiệp và xu hướng ESG trên toàn cầu thì việc quản trị vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc chữa bệnh. Cơ bản là phải sử dụng thuốc ra sao, liều lượng thế nào để có một cơ thể khỏe mạnh", TS Minh nói.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp triển khai ESG là phải xác định đâu là ưu tiên. Bản chất triển khai ESG phải có lộ trình. Các đơn vị thẩm định ESG đánh giá theo lộ trình. Họ không yêu cầu doanh nghiệp phải có triển khai ngay mà có lộ trình 5 năm, 10 năm.

Theo ông Minh, trong lộ trình 5 năm đó, sẽ có những ưu tiên theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, doanh nghiệp triển khai ESG ở mức độ nhận thức của lãnh đạo cấp cao, cấp trung. Lộ trình ESG tiếp theo triển khai là các vấn đề về tài chính hay nhà máy.

Các đơn vị thẩm định ESG đánh giá dựa trên lộ trình thực hiện nên việc triển khai với doanh nghiệp không phải quá khó. Doanh nghiệp cũng không cần quá lo lắng về triển khai ESG theo các xu hướng hiện nay. Song việc quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG lại không hề đơn giản. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn loay hoay trong quá trình này, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ kinh nghiệm thực thi ESG từ chính tập đoàn. Theo ông Khoa, ESG là những yếu tố tạo nên sức mạnh của tập đoàn. Định hướng và những ưu tiên về ESG là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của FPT và phản ánh vai trò, trách nhiệm của Tập đoàn với các bên liên quan trọng yếu. Khi thương thảo với các đối tác ngoại, các doanh nghiệp Việt Nam luôn được hỏi về ESG. Nếu không quản trị doanh nghiệp theo hướng ESG thì không có cơ hội hợp tác với họ. ESG là sức mạnh để doanh nghiệp phát huy giá trị cốt lõi chứ không phải là trang sức.

Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture cho rằng, không có công thức cụ thể nào áp dụng được cho tất cả doanh nghiệp trong việc thực thi ESG. Mỗi doanh nghiệp đặc thù riêng về ngành nghề, quy mô, tính chất hoạt động, nên việc thuê tư vấn giai đoạn đầu rất cần thiết.

Vì thế, theo bà Hà, nếu doanh nghiệp chưa có kiến thức ngay để có thể triển khai ESG thì việc quan trọng là doanh nghiệp cần làm việc sát sao với công ty tư vấn, đảm bảo công ty tư vấn hiểu biết tính chất hoạt động, bản chất của riêng mình. Dựa trên cơ sở đó chủ doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp để triển khai và thực thi ESG.

Tin bài liên quan