Giải pháp để doanh nghiệp thích ứng với khó khăn

Giải pháp để doanh nghiệp thích ứng với khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh lạm phát, suy thoái và nhiều bất ổn vĩ mô, mỗi doanh nghiệp đều cần chuẩn bị một chiến lược phù hợp để thích ứng, tồn tại và phát triển bền vững.

Khó khăn còn ở phía trước

Sau những chính sách nới lỏng tiền tệ vô tiền khoáng hậu để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương lại bước vào cuộc đua mới, nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nền lãi suất tăng quá nhanh đương nhiên khiến nền kinh tế thế giới chịu tổn thương.

Năm 2022 còn chứng kiến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, gây nên sự bất ổn và chia rẽ sâu sắc. Kèm với đó là quãng thời gian rất dài Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tất cả những điều đó là nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới thậm chí đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi tăng trưởng GDP quý I và quý II/2022 ở mức âm.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM Công ty Chứng khoán DSC.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM Công ty Chứng khoán DSC.

Thời gian gần đây, những dòng tít về thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự xuất hiện dày đặc trên các trang báo trong nước và quốc tế. Như là một phần trong kế hoạch cải thiện hiệu suất, Google được cho là có thể dần sa thải khoảng 10.000 nhân viên có chất lượng làm việc kém. Vào tháng trước, phần lớn các doanh nghiệp đã báo cáo đợt sa thải lớn nhất từ trước đến nay của họ. Ngoài Twitter mất hơn 1/3 nhân viên, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã sa thải khoảng 11.000 nhân viên, trong khi Amazon dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm nhân viên cho đến tận năm 2023.

Ở trong nước, có những động thái tương tự diễn ra. PouYuen, doanh nghiệp có đến 50.000 lao động tại TP.HCM và cũng là doanh nghiệp có nhiều lao động nhất trên địa bàn Thành phố mới đây đã cắt giảm 20.000 công nhân do số lượng đơn hàng giảm sút. Tập đoàn Hòa Phát vừa thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất và 2 lò cao ở Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Hải Dương kể từ tháng 11/2022. Ngoài việc dừng 4 lò trên, từ nay đến cuối năm, dự kiến, Hòa Phát sẽ dừng tiếp 3 lò cao tại nhà máy Dung Quất.

Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì. Động thái này được Hòa Phát nhận định là “mang tính sống còn của doanh nghiệp” trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới di động cũng đưa ra góc nhìn thận trọng về thị trường bán lẻ và nền kinh tế. Hiện tại, các vấn đề toàn cầu sẽ tác động đến Việt Nam là điều không tránh khỏi, nhưng thường có độ trễ khoảng 2 - 3 quý. Những khó khăn của kinh tế trong nước có thể kéo dài đến quý III năm sau và chỉ có thể khởi sắc dần từ quý IV/2023.

Hiện tại, nhiều quốc gia lớn dù vẫn còn đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng đã dần qua những khúc cua khó nhất. Trong khi đó, những áp lực vĩ mô lên nền kinh tế và bản thân các doanh nghiệp trong nước chưa phải là giai đoạn đỉnh điểm. Giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế có thể vẫn ở đó và chờ đợi chúng ta trong năm 2023.

Chiến lược ứng phó: Dựa trên vị thế doanh nghiệp

Trong đợt suy thoái lần này, dù chiến lược của doanh nghiệp triển khai như thế nào thì cũng cần nhận thức rõ ràng về 2 đặc điểm nổi bật so với những lần suy thoái trước đây. Đầu tiên là yếu tố công nghệ, dù cấu trúc theo hướng nào thì trong những năm tới, cần phải nhận thức rõ doanh nghiệp cần quan tâm đến sự kết hợp công nghệ trong định hướng chiến lược, thời kỳ kinh doanh mà không cần công nghệ đã kết thúc. Thứ hai là sự kết thúc của thời kỳ tiền rẻ trên phạm vi toàn cầu. Lãi suất sẽ rất khó trở về mức trong đại dịch và doanh nghiệp cần chấp nhận quen dần với việc chi phí vốn ở mức cao hơn.

Chu kỳ kinh tế của các quốc gia – Thời điểm khó khăn nhất còn ở phía trước với Việt Nam.

Chu kỳ kinh tế của các quốc gia – Thời điểm khó khăn nhất còn ở phía trước với Việt Nam.

Để thích ứng, chiến lược của doanh nghiệp trong giai đoạn suy thoái cần dựa trên cả vị thế kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành lẫn sức khỏe tài chính của mình. Đối với những doanh nghiệp yếu cả vị thế kinh doanh lẫn tài chính, việc cắt giảm chi phí một cách mạnh mẽ, cân nhắc thu hẹp kinh doanh hoặc bán những mảng kinh doanh yếu là điều bắt buộc.

Chiến lược cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Nguồn: Bain & Company.

Chiến lược cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Nguồn: Bain & Company.

Cắt giảm, cơ cấu lại chi phí để dành nguồn lực sau khủng hoảng là một chiến lược phổ biến của hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp với tình hình tài chính đủ mạnh có thể có sự chủ động hơn. Với tài chính mạnh, những doanh nghiệp chưa có vị thế về thị phần, sản phẩm có cơ hội tập trung R&D, đầu tư, tích lũy, tập trung sức mạnh để chuẩn bị cho pha tăng trưởng kế tiếp.

Còn các doanh nghiệp đầu ngành, có vị thế tài chính tốt cũng có thể sử dụng chiến lược tấn công, mua-bán các doanh nghiệp nhỏ hơn gặp khó khăn. Giai đoạn kinh tế hồi phục là thời điểm vàng cho M&A như những gì đã diễn ra ở các chu kỳ kinh doanh trước.

Suy thoái kinh tế là khó khăn chung, nhưng cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp có sự thích ứng. Sự thích ứng phù hợp đó phải dựa trên nguyên tắc hiểu rõ nội tại bản thân doanh nghiệp và bối cảnh thị trường, nền kinh tế để có chiến lược phù hợp.

Ưu tiên quản trị dòng tiền

Suy thoái kinh tế có thể tàn phá bảng cân đối kế toán. Đây là điểm mấu chốt, rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua khi doanh nghiệp có phần ưu tiên hơn đến kết quả kinh doanh. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng tốt nhất là những doanh nghiệp quản lý bảng cân đối kế toán tốt nhất.

Các doanh nghiệp này quản lý chặt chẽ tiền mặt, vốn lưu động và vốn đầu tư, tất cả nhằm tạo ra bộ đệm vốn, làm tiền đề để đầu tư trong suốt chu kỳ. Nhiều công ty cũng thoái vốn các tài sản không cốt lõi để đầu tư thêm vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Những diễn biến gần đây trên thị trường càng cho thấy tầm quan trọng của cấu trúc tài chính. Có thể nói, kể từ sau khủng hoảng 2007 - 2008, chưa bao giờ thị trường tài chính có nhiều biến động như vậy. Siết chặt thị trường trái phiếu, hết hạn mức tín dụng ngân hàng, call margin cổ đông lớn, call margin chéo, nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi thị trường trái phiếu…

Tất cả đã bóp nghẹt nhà đầu tư và nhiều doanh nghiệp lâm vào tình thế rất khó khăn. Bối cảnh vĩ mô chuyển xấu nhanh và những chính sách điều hành mang tính hành chính khiến doanh nghiệp bị động, nhưng cũng không thể không nói đến việc một phần rất lớn thuộc về doanh nghiệp khi không có động thái quản trị cơ cấu vốn hiệu quả.

Những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất trong đợt này là những doanh nghiệp bất động sản phát triển quá nhanh, cơ cấu vốn quá rủi ro để rồi không làm chủ được tình hình với những cú phanh gấp.

Theo thống kê của Fiinpro, khi tính toán Z-Score (chỉ số đo lường xác suất phá sản của doanh nghiệp) và M-Score (chỉ số đo lường dấu hiệu gian lận báo cáo tài chính) của các doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính năm 2021, chỉ có khoảng 40% số lượng doanh nghiệp trên sàn HOSE an toàn về tài chính. Tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều ở doanh nghiệp sàn UPCOM, nơi có tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp có rủi ro cao cũng chiếm khoảng hơn 30% mỗi sàn. Với diễn biến xấu đi về bối cảnh, thậm chí con số cuối năm 2022 có thể còn tiêu cực hơn. Tiếp nối số liệu về M-Score, có khoảng 40 - 50% doanh nghiệp có khả năng ít nhiều về những dấu hiệu cần xem xét về tính trung thực của báo cáo tài chính.

Những doanh nghiệp niêm yết là những doanh nghiệp đã đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về vốn, quy mô, khả năng sinh lợi…, do đó, tình hình doanh nghiệp nói chung chắc chắn sẽ còn vất vả hơn. Những con số trình bày ở trên là rất đáng để suy nghĩ và là bài kiểm tra thực sự với các doanh nghiệp có nền tảng tài chính yếu trong năm sau. Với những khó khăn đang chờ đón trong năm 2023, thách thức thực sự cho bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp thậm chí đã lộ ra rất nhiều ngay từ bây giờ.

Việc ưu tiên cấu trúc bảng cân đối kế toán, cân đối các nguồn thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn kết quả kinh doanh. Trong bài toán đó, câu chuyện dòng tiền trở nên cực kỳ quan trọng, vì trong quá khứ đã cho thấy rất nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại dù kết quả kinh doanh vẫn bình thường và mắc kẹt trên đống tài sản của mình.

Tin bài liên quan