Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà tăng mạnh của giá vàng thế giới đã khiến thị trường vàng trong nước bộc lộ nhiều bất cập và để thị trường này phát triển ổn định, theo các nhà phân tích, cần sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Nghị định 24 không còn phù hợp

Theo quy luật, giá vàng trong nước phải luôn sát với giá vàng quốc tế, song lâu nay, giá vàng SJC - thương hiệu vàng miếng độc quyền của Việt Nam luôn cao hơn giá thế giới từ 15 - 18 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng, khiến người mua trong nước chịu thiệt.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), sở dĩ giá vàng trong nước tăng mạnh là do một số nguyên nhân chính, gồm ảnh hưởng từ đà tăng của giá vàng thế giới, nhu cầu mua vàng tăng theo tâm lý đám đông, trong khi nguồn cung khan hiếm, bởi hơn 10 năm nay, kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép các doanh nghiệp nhập vàng.

GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá cao đang được xem là nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, mặc dù chưa có điều tra xã hội học nào cho thấy bao nhiêu phần trăm trong tổng số 100 triệu dân bị tác động và tác động đến mức nào. Nó cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn hệ thống tài chính, mặc dù chưa có nghiên cứu định lượng nào chỉ ra bao nhiêu phần trăm dự trữ ngoại hối mất đi hoặc tỷ giá tăng lên do giá vàng hoặc chênh lệch giá vàng tăng cao.

Tuy nhiên, việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng được hầu hết giới quan sát cho là nguyên nhân gốc rễ khiến chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới lên mức quá cao.

Theo VGTA, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời là cần thiết và đã góp phần ổn định thị trường vàng, nhưng bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều thay đổi. Cụ thể, biến động thị trường vàng không còn tác động trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như tỷ giá của NHNN; không còn tác động xấu đến việc điều hành ổn định kinh tế vĩ mô; tâm lý của người dân đã có sự thay đổi, không tập trung mua vàng để tích trữ như trước đây; các doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang đầu tư sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Do đó, đã đến lúc cần phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Để tăng cung, ổn định thị trường vàng trong nước, thời gian qua, NHNN đã mở lại hoạt động đấu thầu vàng miếng sau 11 năm. Đánh giá cao động thái này, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vẫn cần phải nhập khẩu một lượng vàng nhất định, vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các bộ, ngành có liên quan sẽ phải tính toán để làm sao vừa kiểm soát cung - cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp phần ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

Theo dự đoán của ông Lực, NHNN đã có các phương án can thiệp thị trường vàng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai thực hiện. Với các giải pháp can thiệp của NHNN, ông Lực tin rằng, thời gian tới, thị trường vàng sẽ dần ổn định.

Kỳ vọng sớm được sửa đổi

Theo tôi, NHNN nên rút lại với vai trò quản lý, trao việc nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng có uy tín dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, đồng thời có thể xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, việc chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước quá xa đã khuyến khích giới buôn lậu vàng vào Việt Nam bằng con đường không chính ngạch. Để nhập lậu vàng đòi hỏi phải có ngoại tệ, đó cũng chính là lý do USD trên thị trường tự do tăng và cả tỷ giá niêm yết trong ngân hàng cũng chịu áp lực lớn.

Theo ông Hiếu, việc NHNN thực hiện đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, nhằm ổn định tâm lý ngắn hạn của thị trường, chưa thể giải quyết được bài toán cung - cầu và thu hẹp giá trong nước với quốc tế. Để có thể ổn định được thị trường vàng và thu hẹp chênh lệch về giá, theo ông Hiếu, NHNN phải có lượng vàng lớn để đấu thầu thường xuyên, nhưng điều này sẽ vượt ra ngoài khả năng của NHNN.

“Tại thời điểm này, NHNN là đơn vị duy nhất trong nền kinh tế Việt Nam có thể nhập khẩu vàng, nhưng theo tôi, NHNN nên rút lại với vai trò quản lý, trao việc nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng có uy tín dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, đồng thời có thể xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia. Bên cạnh đó, Nghị định 24 cũng cần sớm được sửa đổi để phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện nay, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC”, ông Hiếu kiến nghị.

Liên quan tới đấu thầu vàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất đối với thị trường vàng cũng như đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, các chuyên gia tài chính cho rằng, các năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu (do không được nhập khẩu chính thức). Vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu một lượng vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

VGTA kiến nghị NHNN cấp hạn ngạch cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước nhập 1,5 tấn vàng. Theo Hiệp hội, đây là con số không lớn, phù hợp với thị trường, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn. VGTA cũng cho biết, nếu được cấp hạn ngạch, các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc 1,5 tấn, mà sẽ chia làm nhiều lần, tùy theo quyết định của NHNN.

Đại diện VGTA cho biết thêm, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá trong nước và quốc tế được rút ngắn, thay vì cách quá xa như hiện nay. Như vậy, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho hay, Nghị định 24 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên, đến nay, cần phải sửa đổi để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay. Theo Phó thống đốc, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhưng phải làm sao để đảm bảo được quyền lợi của người dân, không để giá vàng trong nước quá cao so với giá vàng thế giới.

NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

Thị trường kỳ vọng sớm sửa Nghị định 24, xóa độc quyền vàng miếng SJC, nhưng giới phân tích nhận định, việc sửa đổi nghị định này cần nhiều thời gian, vì còn phải lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng ký ban hành. Trước mắt, VGTA mong NHNN tăng nguồn cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tin bài liên quan