Hai lĩnh vực cho vay là bất động sản và chứng khoán đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm dần dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 8/2008 giảm từ 19% đầu năm xuống còn phân nửa so với đầu năm. Còn với cho vay cầm cố chứng khoán, mặc dù không ít ngân hàng tái mở cửa cho vay (như Sacombank, SHB, BIDV…), nhưng tiến độ giải ngân khá chậm. Nhà đầu tư ngại tiếp cận vốn ngân hàng để kinh doanh chứng khoán trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK Việt Nam.
Có thể nói, đến giai đoạn đầu tháng 9, các ngân hàng đã không còn quá lo ngại về chủ trương khống chế tăng trưởng tín dụng không quá 30% của NHNN, trong khi khả năng thanh khoản được cải thiện nên đã mạnh dạn đẩy vốn ra thị trường. Lãi suất đầu vào và đầu ra cũng dần được điều chỉnh giảm sau hai lần NHNN đưa ra quyết định tăng lãi suất cho khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc lên 5%/năm. Thế nhưng, do phía khách hàng vẫn ngại vay, còn ngân hàng tiếp tục tăng cường các biện pháp đảm bảo tín dụng, đồng thời khống chế mức tối đa trong cho vay nên tốc độ giải ngân vốn của các ngân hàng khó tăng mạnh.
Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBank cho biết, Ngân hàng vẫn tiếp tục hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, khoảng 19 - 20,5%/năm. ABBank còn có chương trình cho vay VND theo lãi suất USD. Bên cạnh đó, khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn vẫn được ABBank giải ngân, nếu đáp ứng được các yêu cầu của Ngân hàng. Thế nhưng, ông Khánh cũng thừa nhận, chỉ với những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu thì tiến độ giải ngân vốn tiến triển tốt. Còn khách hàng cá nhân, nhu cầu vay vốn lúc này chậm lại, vì ngại lãi suất cao.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, không ai muốn đẩy mạnh tín dụng quá mức vào thời điểm tình hình kinh tế, lạm phát chưa hoàn toàn ổn định. Lãi suất huy động vẫn còn cao nên phần lớn lợi nhuận của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có được là do khai thác nguồn thu từ năm trước để lại. 6 tháng cuối năm ngoái, lãi suất huy động dao động từ 8 - 11/năm, còn lúc này, lãi suất huy động đều trên dưới 17%/năm, thậm chí trong 2 tháng trước lên tới 18 - 19%/năm, nên khó khăn của ngân hàng chưa thể nói là đã hết.
Nhưng nếu không cho vay, các ngân hàng khó có thể bù trừ được các khoản chi phí, vì khi triển khai tín dụng sẽ kéo theo được nhiều nguồn thu từ dịch vụ. Thực tế, giải ngân vốn trong 2 tháng qua tăng không nhiều. Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho biết, Ngân hàng đang chuẩn bị cho vay trung và dài hạn, dần hướng đến việc cho vay kỳ hạn đến 10 năm đối với khách hàng, cả doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước mắt ACB sẽ dành khoảng 1.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất thả nổi. Một phần vốn khoảng 500 tỷ đồng được ACB dành giải ngân cho khách hàng mua nhà, lãi suất tối đa 21%/năm, tối thiểu 19,5%/năm.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, lãi suất cho vay giảm từ 21%/năm xuống còn 20%/năm hay 19%/năm thì doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Lãi suất cần giảm xuống dưới 18%/năm. Bởi lẽ, với các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi vay vốn ngân hàng với lãi suất từ 11 - 12%/năm, họ phải làm ra lợi nhuận 20 - 25%/năm; còn với lãi suất vay vốn hiện tại, chi phí vốn sẽ "ăn" vào lợi nhuận, nghĩa là không có lãi. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn ngân hàng chậm lại.