Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại

Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại

Giải ngân vốn ODA chậm có nguyên nhân “thâm căn cố đế” là giải phóng mặt bằng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải các nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm, chưa đạt yêu cầu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo sáng nay tại Bộ Kế hoạch và đầu tư về nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm, ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại khẳng định, có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ vì giao vốn chậm.

Thông tin cho biết, hiện nay, mới chỉ có khoảng 48% trong tổng số 60.000 tỷ đồng vốn mà Quốc hội giao được phân bổ. 

Phân bổ chậm lại do một số bộ ngành, địa phương thiếu vốn đối ứng; do một số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, ví như các dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 TP.HCM, dự án giao thông đô thị Hà Nội…; và do thiếu kế hoạch vốn của một số dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.

Tuy nhiên, giải ngân vốn ODA chậm không chỉ vì nguyên nhân này. Bởi trong kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019, đã có 28.000 tỷ đồng đã được giao nhưng sau 5 tháng, mới chỉ giải ngân được 2.000 tỷ đồng, tức là chưa đầy 7% số vốn được giao.

Theo thông tin của ông Lưu Quang Khánh, ngày hôm qua, Bộ Tài chính đã tổ chức một hội nghị toàn quốc về giải ngân vốn ODA và các đại biểu đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến giải ngân chậm.

Đó là do chậm hoàn thiện thủ tục đấu thấu; chưa xong thiết kế cơ sở (Bệnh viện chợ Rẫy 2 năm chưa xong thiết kế cơ sở, mà không xong thì không thể lập dự toán, xây dựng dự án…); do chậm giải phóng mặt bằng…

“Chậm giải phóng mặt bằng là vấn đề ‘thâm căn cố đế’ của các dự án đầu tư nói chung chứ không chỉ là đối với các dự án sử dụng vốn ODA”, ông Lưu Quang Khánh nói.

Cũng theo ông Lưu Quang Khánh, việc chậm ký kết hợp đồng vay lại Bộ Tài chính cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm lại.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai điều hành kế hoạch đầu tư năm 2019 và công tác quản lý vốn đầu tư phát triển, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giao chi tiết kế hoạch 2019 cho các bộ, ngành, địa phương và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho dự án đường sắt và đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư giai đoạn 2014-2016…

Bộ cũng đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA giai đoạn 2016-2020 cho các dự án và báo cáo Quốc hội về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020...

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nguồn vốn ODA và triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 05/10/2018 của Quốc hội, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; đồng thời trình Thủ tướng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài và hiện đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ về viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài. 

Tin bài liên quan