Nhờ thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, kinh tế Việt Nam đã vượt được những trở ngại lớn trong giai đoạn vừa qua
Dự án lớn cấp tập triển khai
Hôm qua (16/5), hãng trang sức nổi tiếng thế giới đến từ Đan Mạch - Pandora chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Pandora Production Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD và được đặt tại Khu công nghiệp VSIP 3 (Bình Dương), Nhà máy dự kiến tạo việc làm cho hơn 7.000 thợ bạc và sản xuất khoảng 60 triệu sản phẩm trang sức/năm cho Pandora.
Đây là nhà máy thứ ba của Pandora và là nhà máy đầu tiên ở ngoài Thái Lan. Không những thế, thông tin cho biết, với việc sử dụng 100% nguồn năng lực tái tạo và được vận hành theo các tiêu chuẩn phát triển bền vững cao nhất, Nhà máy Pandora Production Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
“Nâng cao năng lực sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng để chúng tôi đáp ứng nhu cầu thị trường và chúng tôi rất hào hứng với chương mới này tại Việt Nam”, ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc Cung ứng của Tập đoàn trang sức Pandora nói như vậy cách đây ít lâu.
Trong khi đó, ít ngày trước đây, Ecovance Co.Ltd - công ty con của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao tại Khu công nghiệp Đình Vũ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng). Với vốn đầu tư 100 triệu USD, dự kiến tăng lên 500 triệu USD vào năm 2030, đây là dự án sản xuất đầu tiên mà Tập đoàn SK đầu tư tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, Nhà máy Ecovance sẽ hoàn thành vào tháng 6/2025, sau khi vận hành thử nghiệm sẽ đi vào hoạt động chính thức từ tháng 9/2025, góp phần quan trọng cung ứng cho thị trường các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học PBS, PBAT, dung môi THF…
“Đây là trường hợp rất hiếm hoi mà công nghệ tiên tiến do SKC phát triển lại được triển khai tại nhà máy ở nước ngoài, chứ không phải Hàn Quốc”, ông Park Won Cheol, Giám đốc Tập đoàn SKC (thuộc Tập đoàn SK) nói và cho biết, SKC sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều hơn nữa doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Hải Phòng.
Cũng là một dự án có quy mô lớn, hồi tháng 3/2024, Nhà máy Sản xuất các sản phẩm quang học và thiết bị y tế, vốn đầu tư 200 triệu USD, cũng đã được Công ty Pegavision Coporation khởi công tại Thái Bình. Dự kiến, khi đi vào hoạt động vào năm 2028, nhà máy này sẽ thu hút khoảng 1.140 lao động, đạt doanh thu 2.808 tỷ đồng/năm và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 82 tỷ đồng/năm…
Việc các dự án quy mô lớn liên tục được triển khai thời gian gần đây góp phần quan trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. “Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Do vậy, họ không ngừng bỏ vốn vào Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nhiều lần nhấn mạnh điều này.
Vốn đầu tư đăng ký gia tăng, cộng với nhiều dự án quy mô lớn liên tục được triển khai thời gian gần đây đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
“Tăng lực” cho nền kinh tế
Thực tế, khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay cũng là thời điểm giải ngân vốn đầu tư nước ngoài liên tục lập kỷ lục mới. Trước đó, mỗi năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chỉ loanh quanh ngưỡng 11-12 tỷ USD/năm, nhưng giờ đây, con số đã ngày càng tích cực.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây có thể coi là con số kỷ lục so với mức 4 tháng của các năm từ 2018 trở lại đây. Bình quân trong khoảng thời gian này, lượng vốn giải ngân chỉ ở mức 5-5,7 tỷ USD. Cao nhất là 4 tháng đầu năm 2022, con số cũng chỉ là 5,92 tỷ USD.
Năm 2018, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,1 tỷ USD, sau đó liên tục tăng lên 20.38 tỷ USD; 19,98 tỷ USD; 19,74 tỷ USD; 22,4 tỷ USD lần lượt trong các năm từ 2020 đến năm 2022. Năm 2023, con số kỷ lục đạt được là trên 23,18 tỷ USD. Mức giải ngân kỷ lục này đã liên tục được nhắc đến trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, cũng như của các cơ quan giám sát như Quốc hội.
Ngay cả các định chế quốc tế, như WB, ADB, HSBC… cũng luôn đánh giá cao việc có một lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn đã đổ vào Việt Nam trong những năm qua, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu đã khiến dòng đầu tư toàn cầu bị chậm lại.
Trong báo cáo được công bố hồi tháng 3/2024, Ngân hàng HSBC đã một lần nữa nhắc tới con số 36,61 tỷ USD thu hút được và 23,18 tỷ USD vốn giải ngân năm 2023 để nhấn mạnh xu hướng tích cực của dòng vốn ngoại vào Việt Nam. “Việt Nam đã có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài nhờ làn sóng mở rộng đầu tư sang Đông Nam Á trong chiến lược Trung Quốc + 1, cũng như nhờ các nỗ lực xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói.
Nhờ thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, kinh tế Việt Nam đã vượt được những trở ngại lớn trong giai đoạn vừa qua và vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cũng như có thương mại hàng hóa tăng trưởng tích cực.
Khi báo cáo Chính phủ về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng so với cùng kỳ. “Khu vực đầu tư nước ngoài chính là ‘bệ đỡ’ giúp cả nền kinh tế xuất siêu khoảng 8,4 tỷ USD trong 4 tháng qua”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Bốn tháng đầu năm, trong khi khu vực trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD, thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,64 tỷ USD. Không chỉ là “bệ đỡ” cho xuất siêu, mà khu vực đầu tư nước ngoài còn đóng góp tích cực cho sản xuất công nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn liên tục được triển khai sẽ góp phần quan trọng “tăng lực” cho nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vì thế bên cạnh việc tích cực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cũng đã liên tục chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
“Cần tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...; đồng thời kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ các dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.