Giải ngân vốn đầu tư công phải bắt đầu từ khâu đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu khi xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn.
Việc chuẩn bị và lập kế hoạch cụ thể được xem là khâu quan trọng nhất quyết định thành công trong triển khai dự án đầu tư công. Ảnh: Đức Thanh.

Việc chuẩn bị và lập kế hoạch cụ thể được xem là khâu quan trọng nhất quyết định thành công trong triển khai dự án đầu tư công. Ảnh: Đức Thanh.

Xác định rõ thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa một lần nữa đốc thúc các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, bởi theo văn bản được gửi trước đó, việc này phải hoàn tất vào cuối tháng 7/2022, song tới ngày 8/8 mới có 29/115 bộ, ngành, địa phương có báo cáo.

Việc các bộ, ngành, địa phương chậm xây dựng kế hoạch và gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể sẽ ảnh hưởng tới việc xây dựng kế hoạch đầu tư công cho năm tới, bởi giữa tháng này, trên cơ sở dự kiến khả năng thu, chi ngân sách nhà nước và chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra thông báo dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023, dự kiến phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị cho công tác đầu tư công năm 2023.

Cũng cần phải nhắc lại, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, khi gửi văn bản tới các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rất rõ rằng, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, các đơn vị phải xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch.

Năm ngoái, điều này cũng đã được nhấn mạnh, với kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước mới đạt gần 187.000 tỷ đồng, bằng 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 36,71% của cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, đã quá nửa năm, nhưng vẫn có tới 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra tới 21 loại tồn tại, khó khăn, vướng mắc dẫn tới tình trạng này, bao gồm cả các nguyên nhân đặc thù như giá nguyên vật liệu tăng cao, các vướng mắc về thể chế, chính sách..., lẫn những nguyên nhân mang tính “cốt tử” như công tác lập kế hoạch, công tác chuẩn bị dự án.

“Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng ‘vốn chờ dự án đủ thủ tục’, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư… Chất lượng chuẩn bị dự án cũng thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, nhưng vẫn chưa thể thi công và giải ngân...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Muốn giải ngân nhanh, phải bắt đầu từ khâu đầu tiên

Chuẩn bị dự án, lập kế hoạch chính là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất.

Khi hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công hàng năm, đặc biệt trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhấn mạnh việc phải xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn. Trong xây dựng danh mục dự án của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, điều này cũng được đặc biệt coi trọng.

Tuy nhiên, thực tế qua 2 năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị dự án, công tác xây dựng kế hoạch. Xây dựng kế hoạch chưa sát với khả năng thực hiện, nên mới có chuyện cuối năm, không ít bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn đã được phân bổ. Chuẩn bị dự án chưa tốt, nên có tiền chưa thể thi công và giải ngân được, bởi nhiều khi vướng quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá, dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh dự án.

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, có tình trạng “xếp hàng nhận chỗ” trong Danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025. Điều này có thể là hiện thực, nhất là với các dự án mà công tác chuẩn bị chưa tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần khẳng định, muốn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phải bằng các biện pháp căn cơ lâu dài, bao gồm việc cải cách thể chế và cả việc chuẩn bị dự án, cũng như xây dựng kế hoạch đầu tư công thật tốt.

Khi hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công hàng năm, đặc biệt trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhấn mạnh việc phải xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn.

Tin bài liên quan