Thi công đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Đức Thanh
Giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều bứt phá
Theo số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong 3 tháng đầu năm đạt trên 60.749 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), tương đương cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn trong nước đạt 14,74%, vốn nước ngoài đạt 0,66%.
Thậm chí, phân tích sâu hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, trong quý đầu năm, hầu hết các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, trong đó, có tới 31 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
“Điều này tạo áp lực giải ngân rất lớn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Tất nhiên, bên cạnh những đơn vị giải ngân thấp, vẫn có những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất tốt. Chẳng hạn, Thái Bình đã giải ngân được 43,24% vốn kế hoạch. Con số ở Bắc Ninh là 30,2%, Hưng Yên là 28,67%, Thanh Hóa là 27,79%, tỉnh Hà Nam là 27,63%...
Trên thực tế, đây cũng là những địa phương có tỷ lệ giải ngân thuộc diện cao nhất trong năm 2020, năm mà Chính phủ rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để “thúc” tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Năm ngoái, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ coi là “chìa khóa cho tăng trưởng”. Năm nay cũng vậy, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, người vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, đã yêu cầu phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bởi đây là giải pháp quan trọng để thúc tăng trưởng, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dường như “chìa khóa” cho tăng trưởng vẫn chưa được vận hành trơn tru, khi mà giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân một số dự án trọng điểm cũng đạt thấp. Chẳng hạn, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 mới đạt 13,3% kế hoạch; Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đạt 14,65% kế hoạch…
Lo nhất là giải ngân vốn nước ngoài
Giải ngân vốn đầu tư công nói chung đã thấp, giải ngân phần vốn nước ngoài còn thấp hơn. Con số được thống kê tới thời điểm hiện tại là mới đạt 0,66% so với kế hoạch (51.500 tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (4,99%).
Cũng cần phải nhắc lại rằng, năm ngoái, giải ngân vốn nước ngoài đạt rất thấp, khiến Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương rất lo lắng. Thậm chí, tình trạng “có tiền mà không tiêu được”; được phân bổ vốn, nhưng “xin trả lại” diễn ra khá phổ biến.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, các bộ, ngành, địa phương chỉ “xin thêm” gần 590 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, trong khi xin “trả lại” tới trên 15.000 tỷ đồng. Khoản chênh lệch được tính toán là hơn 14.598 tỷ đồng - một con số không nhỏ.
“Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của từng Dự án, thì khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sẽ không có chuyển biến, thậm chí có thể thấp hơn năm 2020”.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Vốn nước ngoài là phần vốn mà Chính phủ Việt Nam phải đi vay và trả lãi mà giờ lãi vay đã không còn thấp như trước đây. Bởi thế, vay mà không tiêu được và không được sử dụng hiệu quả khiến chi phí vốn bị đẩy lên cao, lãng phí các cơ hội phát triển.
Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân vốn nước ngoài đạt thấp chủ yếu vì công tác lập kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu thực tế; tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án ODA còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ; thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài, dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn… Tháo gỡ được các điểm yếu này chính là cách tốt nhất để thúc đẩy giải ngân phần vốn nước ngoài.
Nhưng không chỉ là vốn nước ngoài, vốn đầu tư từ ngân sách cũng cần được tập trung đẩy mạnh giải ngân. Thậm chí, tính cấp thiết còn lớn hơn. Lý do là, năm ngoái, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (gồm cả phần chuyển nguồn) là 630.000 tỷ đồng. Nhưng năm nay, vốn kế hoạch giao chỉ là 461.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.
“Điều đó có nghĩa rằng, số vốn đổ vào nền kinh tế để tạo động lực cho tăng trưởng sẽ thấp đi đáng kể. Nếu tỷ lệ giải ngân không cao thì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lý giải, đồng thời nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ của những quý còn lại rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành trong triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Các giải pháp được nhắc tới bao gồm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; thành lập các tổ công tác để thúc đẩy giải ngân…