Đó là những đồng vốn của dân. Chắt chiu và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn này chính là nhiệm vụ lớn nhất mà mỗi nhà thầu, mỗi chủ đầu tư, mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương phải hoàn thành.
Nhiệm vụ là nặng nề, trong khi tình hình triển khai còn chậm, nên cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Có một điều rất đáng chú ý, đó là tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng, cuộc họp được tổ chức để “giải quyết vấn đề khó khăn”, nhưng thực tế thì lại đang giải quyết “vấn đề thuận lợi”. Lý do là bởi, cái khó nhất đáng lẽ chính là không có tiền để làm, là vấn đề “đầu tiên - tiền đâu”, nhưng câu chuyện hiện tại lại là “có tiền mà không làm được”.
Chưa nói đến những nguồn lực dành cho các dự án đầu tư công hàng năm, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong 2 năm (2022-2023), có một ngân khoản không nhỏ đã được dành riêng để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Đầu năm ngoái, Quốc hội đã lần đầu tiên họp phiên bất thường để thông qua một gói tài chính, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có - gần 350.000 tỷ đồng, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của gói hỗ trợ này đến nền kinh tế, nhưng ở thời điểm hiện tại, chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng phải thừa nhận là tình hình triển khai còn chậm. Chưa nói đến các gói chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ lãi suất 2%... chưa như mong đợi, thì việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng khiến các nhà hoạch định chính sách không khỏi sốt ruột.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 176.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138 tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội số vốn 14.710 tỷ đồng của 129 dự án khác.
Như vậy, vẫn còn 14.151 tỷ đồng chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong số này, có 9.605 tỷ đồng của các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ; 1.214 tỷ đồng của các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và 3.332 tỷ đồng của các dự án chưa được thông báo vốn.
Vấn đề nằm ở chỗ, trường hợp số vốn còn lại nói trên không kịp giao kế hoạch trước ngày 31/3 thì sẽ không được tiếp tục thực hiện. Nếu vậy, nguồn lực bị bỏ phí và ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Việc chậm phân giao và triển khai các dự án thuộc Chương trình có lý do từ việc phải thực hiện đúng các nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết số 43 của Quốc hội, có việc phải thực hiện đúng thủ tục quy trình theo quy định của Luật Đầu tư công, nhưng cũng còn một nguyên nhân khác, đó là đề xuất của một số bộ, ngành, địa phương không sát thực tiễn. Bởi thế, có chuyện phải thay đổi, làm đi làm lại, nhất là với những dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Trách nhiệm của ngành y tế là không nhỏ, bởi cho đến nay, riêng ngành này đã có 33/40 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, vì thế, chưa giao và không thể giao được vốn. Trong khi đó, thời gian còn lại không nhiều (hơn 1 tháng).
Nhưng giao vốn cũng chỉ là một vấn đề. Lớn hơn, là làm sao triển khai thực hiện, làm sao để “tiêu” được tiền và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn của dân.
Các khó khăn, vướng mắc đã một lần nữa được chỉ ra. Đó là khối lượng công việc nhiều hơn, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% (130.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 250.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Trong khi đó, những khó khăn, vướng mắc cố hữu về giải phóng mặt bằng, về công tác chuẩn bị đầu tư, về thể chế, chính sách, về năng lực nhà thầu… vẫn còn đó. Chưa kể, vẫn còn chuyện giá nguyên nhiên vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu…
Không còn cách nào khác, phải tập trung tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc. Phải thông suốt trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị. Phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu… Làm sao để giải ngân được 95% trong tổng số nguồn lực trên 711.000 tỷ đồng. Bởi như Thủ tướng Chính phủ đã nói, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển; đã dành dụm để có nguồn đầu tư, thì phải sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý… Đấy mới là điều quan trọng nhất!