Giải ngân vốn đầu tư chậm không thể “đổ cho pháp luật” mà nằm ở khâu thực thi

0:00 / 0:00
0:00
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nguyên nhân và trách nhiệm khi giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: vấn đề nằm ở các địa phương và khâu thực thi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Ngoài nội dung về Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công chậm, nguyên nhân và trách nhiệm, cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, đặc biệt là năm nay có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ngoài các nguyên nhân được nhắc đến lâu nay, là công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, giải phóng mặt bằng chậm, mà đây là “câu chuyện muôn thuở”, nếu các quy định của Luật Đất đai không giải quyết triệt để thì cũng không giải quyết được…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh cũng nguyên nhân riêng khác của năm 2021.

Đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; chuyện nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; thiếu nhân công. Hơn nữa, đây cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, năm còn bận rộn việc tổ chức Đại hội Đảng cũng như bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp…

“Nhưng khâu tổ chức thực hiện hiện nay vẫn là khâu chính”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Ông cũng “xin thưa với Quốc hội” rằng, toàn bộ các vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã được phân cấp cho các bộ ngành, địa phương. Ngay cả việc phê duyệt, giao vốn chi tiết, điều chỉnh kế hoạch cũng đang phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.

“Như vậy, bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay chỉ còn có 3 chức năng chính, đó là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để báo cáo Quốc hội cho kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để điều hành trong kế hoạch hàng năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về phân bổ vốn, đến nay, theo Bộ trưởng, sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng chỉ giao vốn một lần theo một cục, một khoản cho các bộ, ngành, địa phương và giao ngay từ trước ngày 30/11 của năm trước.

“Còn tất cả việc giao chi tiết, triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị dự án, tất cả các thủ tục là bộ, ngành, địa phương hết”, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.

Ông cũng “xin nói lại một lần nữa cho thật rõ” vấn đề này để “xem nó nằm ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai”.

“Hôm nay, tôi có danh sách của 63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân, trong đó có khoảng 30 tỉnh, thành phố đến hết tháng 10 giải ngân dưới 60%. Nếu đại biểu nào cần làm rõ hơn tại sao ở các địa phương lại chưa giải ngân được, thì các đồng chí, các vị đại biểu Quốc hội cũng như các đoàn đại biểu Quốc hội ở đây trả lời giúp cho chúng tôi những vấn đề đó, thật sự là nó nằm ở địa phương và nằm ở các khâu đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông khẳng định: “Những gì thuộc trách nhiệm của Trung ương, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi trên tinh thần cầu thị, đã phân cấp triệt để và chỉ làm những công tác quản lý nhà nước như vậy thôi”.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng bày tỏ sự nhất trí với ý kiến là của Bộ trưởng là “do khâu tổ chức thực hiện là chính”. Từ xây dựng kế hoạch không sát, thậm chí không phải từ nhu cầu thực tế của địa phương, thậm chí có chuyện tư duy nhiệm kỳ...

“Nhưng chuyện này đã tồn tại nhiều năm, vậy với vai trò, trách nhiệm của bộ gác cửa giúp cho Chính phủ tham mưu về lĩnh vực này, thì giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào?”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói và cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ cũng như của Bộ trưởng về vấn đề này.

Tiếp lời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ trưởng “có phát biểu giải trình thêm”.

“Ta nhớ lại năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ kỷ lục là 98%. Thể chế của năm 2021 thì phải tiến bộ hơn năm 2020. Vì sao trong một thể chế, pháp luật như nhau mà lại có đơn vị giải ngân cao, có đơn vị giải ngân thấp”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói và đặt câu hỏi, nguyên nhân khách quan, chủ quan và nguyên nhân cốt lõi của nó là gì? Bây giờ chúng ta phải đột phá vào đâu? Và giải quyết thế nào?

“Vấn đề hiện nay không phải là vấn đề luật pháp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ như vậy.

Ông khẳng định, tất cả các vấn đề về thể chế, luật pháp của đầu tư công đến nay là “rất rõ ràng, rất đầy đủ và trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương”.

“Không còn một vấn đề gì phải lên đến Trung ương cả. Ngay bản thân bộ chúng tôi quản lý tổng hợp chung và giúp cho Chính phủ, Quốc hội quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, trên hệ thống chứ không gặp nhau, không có giấy tờ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, tất cả các bộ, ngành, địa phương khi lập kế hoạch xong đưa vào máy, đưa lên hệ thống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm soát được ngay, thấy đúng thì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng; thấy không phù hợp thì yêu cầu các tỉnh làm lại.

“Như vậy đã rất thông thoáng, rất thuận lợi cho các địa phương. Bây giờ nó nằm ở đâu thì như tôi đã nói, chắc chắn là phải nằm ở tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định.

Nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là tại sao cùng một thể chế, mà có những tỉnh hiện nay đã giải ngân hơn 100% vốn, còn vượt cả số được giao, còn phải ứng thêm vốn, nhưng có những tỉnh hiện nay mới có 18%, cả nước là 55,8% - cũng rất là thấp, cả năm cũng chỉ đạt khoảng 80-85%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Sắp tới các bộ ngành, địa phương, phải nhìn nhận vấn đề này thật nghiêm túc thì mới giải quyết được vấn đề”.

Theo Bộ trưởng, bây giờ không thể “đổ cho pháp luật” được nữa, bởi hiện nay, pháp luật “không còn vấn đề gì”. Tuy vậy, Bộ trưởng cho biết, cũng sẽ tiếp tục rà soát một lần nữa, để nếu cần thiết, sẽ sửa đổi, bổ sung vào tháng 12 tới.

Tin bài liên quan