Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đã cao hơn cả về tỷ lệ và số vốn tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022
Giải ngân đầu tư công tăng tốc
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có xu hướng tích cực hơn, khi theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 215.578,9 tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Con số này đã cao hơn so tỷ lệ đạt được của cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ đạt 27,75%). Và đặc biệt, về số tuyệt đối, cũng đã cao hơn tới trên 65.163 tỷ đồng so với số vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, vốn trong nước là 211.181,9 tỷ đồng (đạt 31,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 4,397 tỷ đồng (đạt 15,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 cả về tỷ lệ và số vốn giải ngân, cho thấy các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành trên cả nước đã phát huy hiệu quả”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo như vậy tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, có 6 bộ và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (43,49%), Tiền Giang (56,65%), Đồng Tháp (53,26%), Long An (53,11%), Thành phố Hải Phòng (52,04%)…
Tuy nhiên, vẫn còn 45 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công như vậy là tích cực, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lượng vốn giải ngân trong năm 2023 là rất lớn, do đó cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành để có thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023.
Hơn nữa, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị trên 711.684 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch trên 707.044 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội đã phân bổ. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là trên 363.763 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là trên 343.281 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư năm 2023 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là gần 634.349 tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là trên 72.695 tỷ đồng (chiếm 10,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Nguyên nhân chủ yếu là do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác, như một số dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chưa được phân bổ. Các dự án này sau khi được giao kế hoạch vốn từ Chương trình đang trong quá trình trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án làm cơ sở để phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 cho dự án.
Chưa kể, một phần vốn nước ngoài cũng chưa phân bổ hết, chủ yếu là do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay; chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư...
Trong khi đó, với vốn ngân sách địa phương, một số dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất chưa giao hết do vướng mắc liên quan đến các công tác về đất đai, địa chính...
Đã giải ngân 24.281 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi
Liên quan đến vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao 161.848 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình để thực hiện 223 nhiệm vụ, dự án.
Trong đó, đối với vốn kế hoạch năm 2022, đã giao tổng số vốn 38.155 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình và 254 dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với kế hoạch năm 2023, đã có trên 115.761 tỷ đồng được phân giao. Trong đó, phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình là gần 104.699 tỷ đồng, phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là trên 11.062 tỷ đồng.
Số vốn còn lại 14.152 tỷ đồng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc hội đã cho phép tiếp tục phân bổ số vốn trên 13.642 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn và sẽ không tiếp tục phân bổ đối với số vốn trên 509 tỷ đồng còn lại.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến ngày 30/6/2023 đạt khoảng 24.281 tỷ đồng.
Đây cũng là một áp lực lớn. Bởi lẽ, theo quy định, nguồn vốn thuộc Chương trình Phục hồi phải được giải ngân trong 2 năm 2022-2023.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ, ước giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình Phục hồi tính đến nay đạt hơn 93.300 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay 5 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 19.090 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.940 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 4.302 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 409 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 60.201 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.