Cuối tháng 8/2023, gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành đã được khởi công.

Cuối tháng 8/2023, gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành đã được khởi công.

Giải ngân đầu tư công tăng tốc, cơ hội cho các doanh nghiệp xây lắp và vật liệu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng nhanh trong thời gian qua, là tín hiệu tích cực cho đà tăng trưởng kinh tế cuối năm.

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Đầu tư công được xác định là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước. Bộ Tài chính cho biết, ước tính giá trị thanh toán đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 đạt 267.625,7 tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân 7 tháng trên kế hoạch năm 2023 có sự cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 34,47%).

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2023 rất lớn, khi kế hoạch giải ngân được giao cho cả năm nay lên tới 700.000 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch được giao, những ngày cuối tháng 8, nhiều tỉnh, thành phố liên tục tổ chức các cuộc họp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chẳng hạn, ngày 28/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ trì cuộc họp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Tính đến ngày 24/8, số vốn giải ngân đầu tư công toàn tỉnh đạt hơn 2.355,4 tỷ đồng, đạt 35,46% kế hoạch cả năm được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao và đạt 42,2% kế hoạch Chính phủ giao.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chương trình mục tiêu quốc gia. Các đơn vị chủ quản chương trình, ban quản lý dự án các địa phương hỗ trợ các xã về công tác nghiệp vụ. Đối với 5 dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phải có giải pháp thực hiện hiệu quả. Chủ đầu tư của các công trình trọng điểm đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông…

Trong khi đó, tại tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia những tháng cuối năm 2023.

Mới đây, tại cuộc họp kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, những tháng cuối năm, Thành phố sẽ nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, kích cầu thương mại - du lịch, hỗ trợ xuất khẩu và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM còn khá chậm chạp. Tính đến hết ngày 4/8/2023, địa phương này mới giải ngân được 18.646 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,2% trên tổng số vốn được giao của năm 2023. Các dự án quan trọng được tập trung giải ngân thời gian qua như đường vành đai 3, Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nút giao thông An Phú, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, mở rộng Quốc lộ 50.

Trong khi đó, tại Hà Nội, ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 7/2023 là 17.002 tỷ đồng, đạt 36,2% kế hoạch. Kết quả này cao hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn mức trung bình của cả nước. Bình Phước có tổng kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 hơn 1.971,2 tỷ đồng. Giải ngân đến hết tháng 8/2023 ước đạt hơn 1.420 tỷ đồng, tương ứng 72% kế hoạch…

Một số địa phương cũng ghi nhận tỷ lệ giải ngân cao như Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,3%), Long An (54,29%)...

Cơ hội cho các nhà thầu, cung cấp vật liệu

Ngày 31/8 vừa qua, liên danh nhà thầu Vietur đã khởi công gói thầu 5.1, gói thầu chính của sân bay Long Thành, với tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Bá Trung, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, các nhà thầu tham gia liên danh này, trong đó có Tổng công ty Vinaconex (mã VCG), Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã CC1), Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã PHC), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (mã HAN) sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2023 - 2026.

Với nhu cầu lớn vật liệu xây dựng cần huy động cho dự án sân bay Long Thành, nhiều doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ dự án này. Theo Bộ Giao thông và Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai.

Theo Chủ tịch UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), tính đến cuối tháng 7/2023, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã hoàn thành 100% (2.532 ha). Cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung cấp chính đá xây dựng cho dự án sân bay Long Thành nhờ sở hữu vị trí gần công trường nhất và chất lượng đá tốt.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang sở hữu mỏ tại cụm mỏ Tân Cang. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã VLB) đang sở hữu mỏ Tân Cang 1 với công suất khai thác lớn nhất là 1,5 triệu m3/năm, thời gian khai thác dài và trữ lượng còn lại tại thời điểm cuối năm 2022 lên tới 25,7 triệu m3.

Cũng trong tháng 7/2023, gói thầu 6.12 – xây dựng các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành đã tìm được nhà thầu thi công. Theo đó, liên danh 6 doanh nghiệp, bao gồm Tập đoàn Đèo Cả (mã HHV) - Tổng công ty Thăng Long (mã TTL) - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - Công ty cổ phần Xây lắp 368 - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Hoàng Long là đơn vị trúng thầu, với giá trị 2.630 tỷ đồng.

VNDirect đánh giá mảng xây lắp của HHV sẽ tiếp tục bứt phá khi trúng thầu gói này. C4G cũng sẽ là một trong ứng viên cho gói thầu xây dựng đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay tại sân bay Long Thành (chưa mở thầu). Công ty đã có kinh nghiệm tham gia nhiều hạng mục thầu tương tự tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc...

Riêng Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP (CC1) thời gian qua gây sự chú ý của giới đầu tư khi liên tục trúng các gói thầu lớn. Không chỉ gói thầu 5.1 sân bay Long Thành, CC1 còn nằm trong liên danh trúng gói thầu số 21 thi công xây dựng dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (đoạn từ Km6+200 - Km16+000). Tháng 7, CC1 tiếp tục góp mặt trong liên danh trúng gói thầu số 12 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3, thuộc dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trị giá 9.034 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 6/2023, CC1 trúng 4 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, gồm dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gói XL01; dự án cao tốc thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau gói XL03; dự án cao tốc thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh gói 11-XL; dự án cao tốc thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong gói XL02.

Càng về cuối năm, giải ngân vốn đầu tư công càng được đẩy mạnh, mở ra cơ hội tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp nhà thầu, xây lắp, vật liệu xây dựng, đồng thời đem lại động lực lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan