Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) trả lời họp báo chiều 18/7 (Ảnh: M.Minh)

Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) trả lời họp báo chiều 18/7 (Ảnh: M.Minh)

Giải ngân đầu tư công chưa đạt kế hoạch, Kho bạc Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài yếu tố khách quan về tính thời vụ, đại diện Kho bạc Nhà nước nhận định, tốc độ giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng là do vướng mắc tại khâu giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, một số chủ đầu tư triển khai dự án đầu tư công còn chậm...

Tại buổi họp báo “Kết quả công tác trọng tâm của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) năm 2023” tổ chức chiều 18/7, báo chí đặt câu hỏi về tiến độ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 không đạt kế hoạch và yêu cầu KBNN cho biết giải pháp.

Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi thuộc KBNN cho biết, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng trước hết là do yếu tố khách quan mùa vụ. Theo đó, những tháng đầu năm, các đơn vị thường tập trung cho công tác chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, giấy tờ, đấu thầu... nên tốc độ giải ngân bao giờ cũng thấp hơn 6 tháng cuối năm, là giai đoạn triển khai dự án thực tế.

Tuy vậy, ông Hà cũng thừa nhận, những nguyên nhân liên quan đến giải phóng mặt bằng, thi công luôn là nguyên nhân lớn gây ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công.

"Thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng (đất, cát...), nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn, làm cho vướng mắc tập trung ở khía cạnh đó. Về mặt chủ quan, một số chủ đầu tư triển khai dự án còn chậm, dẫn đến chậm khối lượng thanh toán", ông Hà nói.

Về phía cơ quan kiểm soát chi, ông Trần Mạnh Hà cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, KBNN đã quán triệt phương châm thanh toán ngay tất cả hồ sơ yêu cầu giải ngân hợp lệ gửi đến Kho bạc, thậm chí áp dụng giải ngân thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nghĩa là không cần trực tiếp đến kho bạc mà vẫn giải ngân được.

"Đối với nhiệm vụ chi, KBNN luôn sẵn sàng. Chúng tôi có hệ thống giám sát giao dịch, đảm bảo không chậm, muộn hồ sơ. Luôn "sáng đèn" giải ngân đầu tư công. Cuối năm nay, cụ thể là quý III, chúng tôi dự kiến phối hợp với Vụ Đầu tư của Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tập huấn thực hiện tốt công tác giải ngân.

Đối với cán bộ KBNN, chúng tôi yêu cầu nâng cao tinh thần kỷ luật kỷ cương và kiến nghị bộ ngành địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc cơ chế chính sách, về giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường vật liệu… Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đấu thầu để có khối lượng thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước", vị này nói.

Phó tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ (ảnh trái) chủ trì họp báo chiều 18/7

Phó tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ (ảnh trái) chủ trì họp báo chiều 18/7

Phát biểu tại Họp báo, bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc KBNN cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống KBNN đã thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về chi đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, lũy kế thanh toán 6 tháng đầu năm là 185.767,5 tỷ đồng; bằng 27,8% kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Lũy kế thanh toán vốn đầu tư kéo dài năm trước chuyển sang năm 2024 đến ngày 30/6/2024 qua hệ thống KBNN là 8.558,7 tỷ đồng/52.546,3 tỷ đồng, bằng 16,3% kế hoạch vốn năm trước chuyển sang năm 2024 được xác nhận chuyển nguồn qua hệ thống KBNN. Trong đó, vốn trong nước thanh toán là 8.530,8 tỷ đồng, bằng 16,7% kế hoạch; vốn ngoài nước thanh toán là 27,9 tỷ đồng, bằng 2,0% kế hoạch.

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý kho quỹ, KBNN

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý kho quỹ, KBNN

Liên quan đến giải ngân đầu tư công, tại cuộc họp báo nói trên, báo chí cũng đưa ra vấn đề hiện việc chậm giải ngân đầu tư công đã khiến tồn quỹ ngân sách lên tới 1 triệu tỷ đồng.

Lý giải cho vấn đề này, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý kho quỹ, KBNN cho biết, đây là khoản tiền tồn quỹ ngân sách nhà nước gồm 2 cấp là trung ương và địa phương (tỉnh, huyện, xã). Tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tồn quỹ ngân sách nhà nước còn có nguồn tiền từ cải cách tiền lương. "Đối với cải cách tiền lương, khoản tiền đã sẵn sàng, KBNN sẽ thực hiện chi khi có văn bản yêu cầu từ các đơn vị", ông Hoàng nói.

Trước đó, ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024. Báo cáo tại Hội nghị cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao 669,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng).

Con số này thấp hơn con số 30,49% 6 tháng đầu năm 2023, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính.

Tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương một số bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt như: Đài Truyền hình Việt Nam (100%); Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (90,07%); Nam Định (58,75%); Thanh Hóa (56,83%); Lào Cai (54,23%); Phú Thọ (51,02%); Bà Rịa - Vũng Tàu (49,66%); Bộ Xây dựng (47,91%); Tiền Giang (47,42%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (46,88%); Bộ Giao thông vận tải (41,16%).

Đồng thời, Thủ tướng cũng phê bình nghiêm khắc 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ này.

Cụ thể, một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội... Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lệ giải ngân 0% do chưa phân bổ kế hoạch vốn.

Tin bài liên quan