Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước)
Năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không đạt kế hoạch. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
Trước thực tế giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không đạt kế hoạch, ngày 20/4/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân chậm trễ khiến việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, trong đó có thực trạng là hệ thống thể chế chính sách, pháp luật về lĩnh vực đầu tư, xây dựng còn chồng chéo với nhiều luật; hơn 100 nghị định; hàng trăm thông tư hướng dẫn; hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức. Trong đó, riêng khâu chuẩn bị đầu tư dự án có tới 45 thủ tục khác nhau.
Ngoài nguyên nhân hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn bất cập, chồng chéo, chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn là do không ít cán bộ, công chức liên quan đến hoạt động đầu tư vô trách nhiệm, khiến nhiều hồ sơ dự án bị “ngâm” rất lâu.
Ông có thể lấy vài ví dụ liên quan đến hệ thống văn bản pháp luật khiến giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản bị chậm?
Đơn cử, thủ tục hành chính liên quan đến phân loại dự án, thẩm định dự án, phân bổ, điều chỉnh dự án còn nhiều phức tạp, nhiều tầng nấc, dẫn đến mất nhiều thời gian thực hiện, kéo dài thời gian triển khai dự án.
Theo quy định, dự án dù quy mô đầu tư lớn hay nhỏ, do Trung ương đầu tư hay vốn ngân sách địa phương đầu tư cũng phải trải qua nhiều bước, thực hiện đầy đủ quy trình, hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian thực hiện, gây khó khăn cho việc triển khai. Luật Xây dựng cũng có những vướng mắc tương tự trong rất nhiều khâu, đặc biệt là khâu thẩm định dự án…
Những vướng mắc này đã tồn tại từ lâu, nhưng vấn đề là tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch mỗi năm một giảm, thưa ông?
Theo Luật Đầu tư công, vốn kế hoạch năm trước không giải ngân hết, được kéo dài đến ngày 31/12 năm sau; vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn trước được kéo dài đến hết 31/12 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau. Do vốn năm trước không giải ngân hết, năm sau phải tập trung giải ngân, vì thế tỷ lệ giải ngân vốn so với kế hoạch thấp. Việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân dẫn đến chủ đầu tư có tâm lý “cơm không ăn gạo còn đấy”, chưa giải ngân năm nay thì sang năm sau làm.
Tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch năm sau đạt thấp hơn năm trước còn có nguyên nhân vốn đầu tư dành cho đầu tư xây dựng cơ bản năm sau thường cao hơn năm trước, nên về số tuyệt đối giải ngân năm sau vẫn cao hơn năm trước, nhưng về tỷ lệ tương đối so với kế hoạch đạt thấp hơn năm trước. Đơn cử, năm 2018, về tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch thấp hơn năm 2017 khoảng 5%, nhưng về số tương đối thì vẫn giải ngân cao hơn khoảng 17.000 tỷ đồng.
Với tình hình này, có thể khẳng định năm 2018 không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư tư xây dựng cơ bản (kết thúc vào ngày 31/1/2019). Thưa ông, liệu việc không hoàn thành kế hoạch có một phần lỗi từ Kho bạc Nhà nước?
Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản - khâu cuối cùng trong thanh toán (giải ngân) nguồn vốn này và tôi khẳng định, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không có nguyên nhân từ phía Kho bạc Nhà nước.
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản, chúng tôi đã thực hiện phương thức “thanh toán trước, kiểm soát chi sau” cho hợp đồng thanh toán nhiều lần (trừ lần thanh toán cuối cùng); quy trình kiểm soát chi hiện tại rất đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ và nội dung kiểm soát; đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán…, nên đã rút ngắn được thời gian thanh toán xuống chỉ còn một ngày làm việc, thay vì 7 ngày như trước đây.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong quá trình thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hệ thống Kho bạc Nhà nước chỉ từ chối giải ngân khoảng 60 tỷ đồng trong tổng số khoảng 260.000 tỷ đồng đã thanh toán do hồ sơ thanh toán không hợp lệ, không đúng quy định.
Còn rất nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018 đạt chưa tới 50% kế hoạch, thậm chí có khoảng 10 bộ, ngành giải ngân dưới 30% kế hoạch. Thưa ông, với những bộ ngành, địa phương này thì xử lý thế nào?
Theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định 120/2018/NĐ-CP, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư, nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài đến hết ngày 31/12 năm sau. Trường hợp đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân đối với từng dự án cụ thể sang các năm sau, nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thực hiện theo đúng quy định này, Kho bạc Nhà nước sẽ phối hợp với chủ đầu tư chuyển nguồn vốn giải ngân tiếp cho đến 31/12/2019. Quá thời hạn này (31/12/2019) mà Thủ tướng Chính phủ không cho phép kéo dài thời gian giải ngân, chúng tôi sẽ điều chuyển vốn cho các dự án khác theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Chủ đầu tư dự án giải ngân chậm sẽ phải báo cáo, giải trình, kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ.