Khối ngoại đang đổ tiền khá mạnh vào thị trường trái phiếu, theo ông, đâu là lý do?
Nếu như giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài so với toàn thị trường tính đến 17/3/2017 là 29.070/183.096 tỷ đồng, đạt 15,88%, trong đó giá trị mua ròng ước đạt 8.406 tỷ đồng, thì đến hết ngày 21/4, giá trị giao dịch của khối ngoại đạt 41.260/256.709 tỷ đồng, trong đó giá trị mua ròng ước đạt 12.988 tỷ đồng.
Tín hiệu tích cực trên do lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) đáo hạn đến hết tháng 3/2017 và ước đến tháng 4/2017 đạt 41.892 tỷ đồng, khiến nhu cầu tái đầu tư để cơ cấu lại danh mục gia tăng, trong đó có cả nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn được nhìn nhận là tích cực. Bội chi ngân sách nhà nước quý I/2017 tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp do thu ngân sách đạt khá, trong khi tốc độ giải ngân vốn chi đầu tư phát triển còn chậm và chi trả nợ lãi giảm mạnh.
Ông Phạm Thanh Hà
Đặc biệt, chỉ số CDS 5 năm ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, cho thấy tín nhiệm của Việt Nam ở mức cao, tạo sự an tâm cho khối ngoại khi rót vốn vào thị trường TPCP. Thanh khoản hệ thống ở mức ổn định, nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) duy trì dồi dào, qua đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư vào thị trường TPCP.
Ngoài ra, lợi suất TPCP kỳ hạn 5 năm tại Việt Nam cao hơn một số quốc gia trong khu vực, nên tạo ra kênh đầu tư sinh lợi hấp dẫn. Chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm thanh khoản ổn định, giúp nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn hiệu quả vào các kênh đầu tư khác nhau, trong đó có TPCP.
Ông có thể phân tích thêm về chỉ số CDS 5 năm và lợi suất TPCP so với các nước?
Chỉ số CDS là thước đo đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ TPCP. Chỉ số này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua cho thấy mức độ tín nhiệm của Việt Nam đang ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng.
Lợi suất TPCP 5 năm tại thị trường Việt Nam hiện cao hơn một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan (1,66%/năm), Malaysia (3,82%/năm), Philippines (3,83%/năm) và rộng hơn là các nước ở châu Á như Hàn Quốc (0,02%/năm), Trung Quốc (3,12%/năm). Đây là một trong những lý do thu hút vốn ngoại vào thị trường TPCP Việt Nam như một kênh đầu tư sinh lời hiệu quả và ổn định.
Vốn ngoại vào mạnh có được coi là bất thường không trong bối cảnh tháng 3 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất?
Việc Fed tăng lãi suất hai lần kể từ tháng 12/2016 lên mức 0,75 - 1%/năm cùng triển vọng lạc quan về sự phục hồi của kinh tế Mỹ có tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư tại các nền kinh tế mới nổi. Những ý kiến quan ngại việc nguồn vốn ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam là có cơ sở. Tuy nhiên, các quyết định nâng lãi suất của Fed đã được giới đầu tư và nhiều nhà phân tích dự báo từ trước, nên không có nhiều xáo trộn trên thị trường.
Phần lớn các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có định hướng đầu tư ổn định dài hạn nên việc nâng lãi suất của Fed có thể tác động không nhiều đến nguồn vốn ngoại tại Việt Nam. Trong khi đó, thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là những cú huých lớn, giúp vốn ngoại tìm đến thị trường Việt Nam. Điển hình như việc Nhà nước thoái vốn tại Vinamilk, Habeco, Sabeco hay Vietjet bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, giúp mở ra cơ hội đầu tư cho khối ngoại vào thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh VND đang chịu sức ép mất giá so với USD, ông nhìn nhận gì về sức ép này và mức độ tác động đến dòng vốn ngoại trong thời gian tới?
Bối cảnh thị trường quốc tế trong năm 2017 sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá VND/USD. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm việc nâng lãi suất của Fed cộng với chính sách tài khóa kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, kinh tế Nhật Bản và châu Âu phục hồi khiến chính sách nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương có xu hướng thu hẹp. Ngoài ra, sự kiện nước Anh kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon rời khỏi Liên minh châu Âu, bầu cử ở Anh và Đức, bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông cũng là những yếu tố cần được theo dõi sát sao.
Tại thị trường Việt Nam, thông tin về tăng trưởng kinh tế quý I/2017 thấp nhất trong 3 năm gần đây, nhập siêu 1,81 tỷ USD và chỉ số giá tiêu dùng tăng (gây áp lực lên lạm phát) là những yếu tố làm tăng áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, dự kiến dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn dồi dào do một số yếu tố như: dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào nền kinh tế; vốn FII vào thị trường TPCP cao; việc thoái vốn nhà nước và bán cổ phần tại các công ty có vốn nhà nước sẽ thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài; bội chi ngân sách trong quý I/2017 ở mức thấp; dự trữ ngoại hối dồi dào cho phép nhà quản lý chủ động điều tiết thị trường ngoại hối.
Điều quan trọng là tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn nhận về kinh tế vĩ mô Việt Nam khá tích cực, nên dòng vốn ngoại hiện đầu tư với mục tiêu dài hạn, ổn định. Do vậy, áp lực tỷ giá có thể không tác động nhiều đến dòng vốn ngoại như một số dự báo.
Xét trong dài hạn, Việt Nam cần có những cải cách căn cơ nào để thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường trái phiếu không chỉ tăng về lượng, mà cả về chất?
Theo tôi, cần tập trung vào hai yếu tố then chốt: mở rộng cơ sở nhà đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm giao dịch.
Về cơ sở nhà đầu tư, cần xây dựng chính sách, quy định phù hợp nhằm mở rộng loại hình nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua thành lập các quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư trái phiếu. Đồng thời, xem xét áp dụng quy định mức đầu tư TPCP tối đa thống nhất cho các ngân hàng thương mại trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược, chính sách ưu đãi như miễn giảm các loại thuế, phí khi đầu tư TPCP, quảng bá hình ảnh và chính sách mở tài khoản; đặc biệt, với nhà đầu tư nước ngoài, miễn thuế nhà thầu, cho phép triển khai các sản phẩm phòng ngừa rủi ro.
Về đa dạng hóa sản phẩm giao dịch, Bộ Tài chính nên nghiên cứu cho phép triển khai các sản phẩm mới như trái phiếu trả lãi một lần, trái phiếu có lãi suất thả nổi, phái sinh trái phiếu. Thực tế cho thấy, việc mở rộng phát hành TPCP kỳ hạn 20 và 30 năm có tác dụng thu hút vốn ngoại khá tốt.
Mặt khác, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động phát triển thị trường như hoàn thiện hợp đồng khung giao dịch, chuẩn mực giao dịch, xây dựng đường cong lãi suất chuẩn đối với các kỳ hạn ngắn.
Ở tầm vĩ mô, để tiếp tục cải thiện khả năng hút vốn ngoại của thị trường trái phiếu, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát, duy trì cán cân thương mại ổn định, quản lý tốt chi tiêu công.