Tháng 8, nhiều doanh nghiệp lập kỷ lục xuất khẩu
Thông tin từ CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cho biết, trong tháng 8 vừa qua, Công ty đạt doanh thu xuất khẩu gần 90 triệu USD, tăng gần 7,69% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng, doanh thu xuất khẩu của MPC đạt gần 442 triệu USD, đạt hơn 55% kế hoạch cả năm (800 triệu USD).
Sản lượng xuất khẩu 8 tháng của MPC đạt 33,269 tấn, tăng 18% và đạt 62% kế hoạch. Trong đó, riêng tháng 8/2018, Công ty đạt mức xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay, với 8.354 tấn, tăng hơn 35% so với cùng kỳ 2017.
Tại CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), doanh thu xuất khẩu tháng 8 đạt 41 triệu USD, kỷ lục mới về doanh thu theo tháng của Công ty, tăng 85% so với tháng 8/2017.
Doanh thu tăng mạnh là nhờ khối lượng xuất khẩu tăng tới 27% so với cùng kỳ và giá bán vẫn duy trì ở mức cao. Trong đó, giá cá tra fillet tăng gần gấp đôi, thịt cá và dầu cá tăng 73%, collagen và gelatin tăng 174% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, vùng nuôi mở rộng của Công ty bắt đầu đem lại thành quả từ quý III tương ứng thời gian thu hoạch sau khi nhân giống từ 6 - 9 tháng.
Dự báo từ nay đến cuối năm, VHC sẽ tiếp tục giữ được doanh thu ở mức cao và có đủ nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho nhu cầu cá tra thường tăng cao ở quý IV.
Cũng theo VHC, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Công ty là Mỹ và Trung Quốc đều khả quan. Ngoài lợi thế không phải chịu thuế chống bán phá giá tại Mỹ, diễn biến tăng giá của USD so với VND thời gian qua giúp VHC được hưởng mức chênh lệch tỷ giá khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, qua đó gia tăng lợi nhuận cho Công ty.
Đối với thị trường Trung Quốc, VHC đang bắt đầu tăng tốc bằng việc đẩy mạnh hợp tác với các nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại thị trường này để đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2017.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 8/2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD giá trị cá tra, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ và chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Dự báo, ngành công nghiệp cá tra có thể đạt được bước tăng trưởng đột phá trong năm 2018, với giá trị xuất khẩu vượt quá 2 tỷ USD.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang khá ổn định và với tình hình hiện tại, khả năng kim ngạch ngành thủy sản trong năm 2018 sẽ đạt trên 9 tỷ USD.
Thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm
Cũng theo lãnh đạo VASEP, ngành cá tra và tôm vừa đón nhận thông tin khá tích cực. Đó là Bộ Thương mại Mỹ vừa có thông báo kết quả cuối cùng của đợt rà soát thuế chống bán phá giá POR 13 cho tôm và cá tra, cá ba sa từ Việt Nam với mức thuế thấp hơn nhiều so với trước kia.
Đối với sản phẩm tôm từ Việt Nam, thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm 25,7% so với mức thuế sơ bộ trước đó của POR12 và cũng cải thiện hơn so mức thuế của POR11 là 4,78%.
Trong khi đó, sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng được áp dụng mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 và 1,37 USD/kg, còn thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13) là 3,87 USD/kg.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang được đánh giá có ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế và thủy sản Việt Nam đứng trước cơ hội thay thế sản phẩm Trung Quốc vào Mỹ.
Tính từ đầu tháng 9 đến ngày 18/9, nhiều cổ phiếu trong ngành đã ghi nhận mức tăng trưởng xấp xỉ 20%.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, khi Mỹ áp thuế cao đối với mặt hàng Trung Quốc, cơ hội sẽ chia đều cho nhiều thị trường và để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh với các thị trường khác.
“VASEP đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp thành viên cho biết khó khăn, vướng mắc hoặc đánh giá tác động từ cuộc chiến thương mại để hiệp hội nắm bắt, có hướng xử lý kịp thời. Song đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp. Điều đó cho thấy mọi việc vẫn đang ổn định, trong tầm kiểm soát”, ông Hòe nói.
Những tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản thời gian qua đã phản ánh vào thị giá cổ phiếu.
Tính từ đầu tháng 9 đến ngày 18/9, nhiều cổ phiếu trong ngành đã ghi nhận mức tăng trưởng xấp xỉ 20%.
Trong đó, HVG ghi nhận tăng hơn 58% chỉ trong 12 phiên giao dịch. Cổ phiếu MPC và ANV ghi nhận mức tăng hơn 20%, trong khi VHC cũng ghi nhận mức tăng gần 17% từ 77.000 đồng/cổ phiếu lên 90.000 đồng/cổ phiếu…