Thực tế, mục tiêu của đợt phát hành tín phiếu lần này cũng nhằm ổn định tỷ giá bằng cách tác động đến thanh khoản ở thị trường liên ngân hàng trong ngắn hạn. Tỷ giá USD chưa có biến động rõ rệt sau khi tăng nóng trên thị trường giao dịch tự do. Còn tỷ giá chính thức tại Vietcombank ngày 14/3 vẫn nhích tăng nhẹ so với tỷ giá ngày 8/3 trước thời điểm phát hành tín phiếu.
Đề cập tới một “yếu tố lạ” góp phần kéo tỷ giá, giám đốc một quỹ đầu tư chia sẻ rằng “chúng tôi thấy có mối tương quan giữa tỷ giá USD với giá bitcoin. Đợt rồi giá bitcoin tăng mạnh quá nên dân chúng có nhu cầu mua ngoại tệ để chơi”. Đồng thời, nhu cầu USD để nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất đang tăng lên hay mùa chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI về nước… cũng là những yếu tố ngắn hạn kích tỷ giá.
Đứng trước một động thái khó dự đoán thì sự cẩn trọng quan sát là cần thiết. Trên thực tế, trong những phiên TTCK đi xuống vừa qua, nhiều ý kiến bình tĩnh nhận định, câu chuyện tín phiếu là cái cớ cho thị trường giảm điểm sau giai đoạn đã tăng nóng từ sau Tết với những cú tăng rướn trong 2 tuần trước. Nhưng khi nhiều người kỳ vọng thị trường tiếp tục điều chỉnh thì những phiên xanh điểm của thị trường vào ngày thứ Tư và thứ Năm gây bất ngờ và dẫn đến câu hỏi nghi ngờ, phải chăng thị trường miễn nhiễm với động thái phát hành tín phiếu?
Cần lưu ý rằng, thông tin về các cuộc họp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản diễn ra trong tuần qua đã tác động lớn đến tâm lý thị trường. Đồng thời, việc Chính phủ yêu cầu thúc đẩy các công việc triển khai chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn cũng là nguyên nhân thúc đẩy dòng tiền vào nhóm cổ phiếu dầu khí…
Như vậy, trong nỗi lo về thanh khoản bị ảnh hưởng bởi động thái phát hành tín phiếu và định giá nhiều cổ phiếu không còn rẻ, cũng có những thông tin tích cực đủ mạnh khiến thị trường hào hứng trở lại, không ít cổ phiếu có tin tốt tăng trần.
Kinh nghiệm qua các đợt phát hành tín phiếu lần trước cho thấy, thị trường có giảm điểm nhưng chỉ là ngắn hạn. Điều đó khiến các nhà đầu tư mang tâm lý lạc quan trong trung hạn không bán tháo mà chỉ giữ ở mức trung bình và tích cực tái cơ cấu trong các nhịp bật lên của thị trường.
Theo số liệu, năm 2023, đã có 6 đợt phát hành tín phiếu, thời gian trung bình là 10 ngày/đợt hút ròng. Nếu đợt hút ròng này cũng diễn ra trong khoảng thời gian này, vấn đề tỷ giá được xử lý thì kỳ vọng nỗi lo ngại tín phiếu sẽ sớm qua đi. Tuy nhiên, cũng có những đợt hút ròng lên đến gần 30 ngày trong lịch sử. Nếu điều này lại diễn ra thì áp lực với thị trường sẽ tăng lên đáng kể, nhất là khi các tin tốt không còn đủ tạo ra lực đối kháng trên thị trường như trong tuần qua.
Trong khi đó, về phân tích kỹ thuật, đồ thị chỉ số VN-Index khung ngày cho thấy dấu hiệu quay đầu ở vùng quá mua, còn khung tuần cũng báo hiệu điểm mua không an toàn. Khối ngoại vẫn bán ròng trên thị trường.
Vì thế câu hỏi nỗi lo tín phiếu có trở lại hay thị trường miễn nhiễm với động thái phát hành tín phiếu hay không vẫn còn chưa có câu trả lời chắc chắn ít nhất cho đến cuối tuần này.