Giải mã nguyên nhân khiến nhiều người mắc COVID-19 nặng hơn người khác

0:00 / 0:00
0:00
Một nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cho thấy những người tránh được những triệu chứng nặng nhất của COVID-19 có thể là do họ có sự cân bằng của một loại tế bào miễn dịch gọi là đại thực bào.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuổi tác và tình trạng bệnh lý nền bị cho là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ chuyển biến nặng nếu mắc COVID-19.

Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cho thấy những người tránh được những triệu chứng nặng nhất của COVID-19 có thể là do họ có sự cân bằng của một loại tế bào miễn dịch gọi là đại thực bào.

Phát hiện này có thể mở ra hướng đi mới trong việc phát triển các loại thuốc điều trị COVID-19 giúp hệ miễn dịch ứng phó tốt hơn với virus SARS-CoV-2.

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Reports, nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm NEIDL thuộc Đại học Boston và Đại học Princeton đã tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đối với những người bệnh bị chuyển biến nặng và những người chỉ có những triệu chứng nhẹ.

Sau khi phân tích lá phổi của những người mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc hồi phục nhanh, các nhà nghiên cứu phát hiện một tập hợp gene có thể giúp xác định liệu các tế bào miễn dịch có tạo ra một lớp bảo vệ vững chắc hay chỉ tạo ra "kháng thể giả mạo."

Ông Devin Kenney, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại NEIDL, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến phổi của bệnh nhân COVID-19 bị tổn thương nghiêm trọng hơn là do thiếu tính đa dạng của đại thực bào.

Cụ thể, mức độ tổn thương phổi có liên quan đến một loại đại thực bào tiền viêm - những tế bào thường phản ứng với virus và vi khuẩn - được gọi là đại thực bào nhóm M1.

Ông Kenney nêu rõ đại thực bào nhóm M1 dường như có khả năng làm trầm trọng thêm các phản ứng viêm ở bệnh nhân COVID-19 và dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Ngược lại, ở những người có sự cân bằng và đa dạng các loại tế bào có khả năng sửa chữa và làm lành những tổn thương, như đại thực bào nhóm M2 hoặc đại thực bào điều hòa, hệ miễn dịch hoạt động kịp thời và hiệu quả hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng phản ứng kháng virus tích cực này có liên quan đến tập hợp gồm 11 gene mà họ gọi là "gen xác định khả năng bảo vệ". Theo đó, ở những người có hệ miễn dịch phản ứng hiệu quả hơn với virus SARS-CoV-2, những gene này hoạt động mạnh hơn.

Phó Giáo sư Vi sinh vật học tại Khoa Y dược Đại học Boston, ông Florian Douam, cho biết phát hiện trên giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về khả năng các đại thực bào giúp tăng cường lá chắn bảo vệ trong mô phổi cũng như tập hợp gene giúp xác định khả năng bảo vệ phổi của các đại thực bào này.

Theo ông, việc giải mã được nguyên nhân khiến nhiều người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ và cách cơ thể họ bảo vệ chống lại virus có thể mở ra triển vọng phát triển các phương pháp điều trị kháng virus hiệu quả, giúp bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch cân bằng hơn.

Tin bài liên quan