Nhà đầu tư Trung Quốc đang mạnh tay mua vàng, khiến giá không ngừng tăng. Ảnh: AFP
Những “cú đêm” săn vàng
Sau nhiều tuần tranh luận về việc liệu có một thế lực bí ẩn nào đã mua vào điên cuồng để đẩy giá vàng tăng cao chót vót, một số nhân vật có tiếng trên thị trường vàng thế giới đi đến kết luận rằng, động lực mới và then chốt khiến thế giới “say” vàng là một nhóm các nhà tư nhỏ lẻ trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE).
Chỉ trong vài tuần, SHFE từ một địa điểm giao dịch hàng hóa khá yên ắng, đã trở thành một điểm kết nối của thị trường vàng toàn cầu. Trong khi các sàn đối thủ như London và New York cũng ghi nhận giao dịch vàng tăng lên, nhưng không nhiều, thì khối lượng vàng giao dịch qua sàn SHFE tăng vọt từ mức cơ bản thấp, là dấu hiệu thuyết phục rằng, một nhóm nhà đầu tư mới của Trung Quốc đã giúp đẩy giá vàng leo cao.
Để biết các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ duy trì mua vào trong bao lâu, thì cần tìm đáp án cho câu hỏi điều gì đã đưa họ đến sàn SHFE. Thực tế, các phiên giao dịch ban đêm của sàn SHFE trong năm nay đã trở nên sôi động khi các “cú đêm” săn vàng đặt cược vào những biến động ngắn hạn của đồng nhân dân tệ, ngoài chuyện ăn chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Là nước nhập khẩu lớn, người mua vàng ở Trung Quốc thường phải trả giá cao hơn giá quốc tế. Mức chênh giá đó đã tăng lên 89 USD/ounce vào đầu tháng 4/2024, trong khi mức chênh lệch giá trung bình trong năm qua là 35 USD, cao gấp 5 lần so với mức trung bình lịch sử.
Vàng trở thành tâm điểm của thị trường toàn cầu khi thiết lập mức giá cao nhất mọi thời đại, trên 2.400 USD/ounce vào giữa tháng 4. Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới, được nhận định là “trung tâm” của sức tăng phi thường đó.
Căng thẳng địa chính trị leo thang, bao gồm cả chiến sự ở Trung Đông và xung đột Nga - Ukraine, cùng với triển vọng Mỹ cắt giảm lãi suất, đã khiến giới giao dịch chuyên nghiệp và nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào vàng. Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng phi thường của vàng là nhu cầu không ngừng của Trung Quốc, khi những người mua nhỏ lẻ, nhà đầu tư quỹ, nhà giao dịch hàng hóa tương lai và thậm chí cả ngân hàng trung ương nước này coi vàng thỏi như một phương tiện lưu trữ giá trị trong những thời điểm bất ổn.
Trên thực tế, giá vàng tạo sóng ngay từ đầu năm, khi thị trường bấu víu vào triển vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm xoay trục chính sách và tiến hành vài đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nhưng đến nay, triển vọng đó đã trở nên mờ nhạt, khi số liệu quý I/2024 cho thấy, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chững lại (ước tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước), còn lạm phát cơ bản cao hơn dự kiến là 3,7% (vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed).
“Điều duy nhất thúc đẩy vàng theo kiểu bitcoin là các trò chơi đầu cơ quy mô lớn”, ông Ross Norman, một nhà giao dịch kỳ cựu, từng làm việc cho Credit Suisse Group AG và Rothschilds & Sons, nhận định. Nhà phân tích này cho rằng, với tỷ giá tăng cao và sức mạnh của USD, nguồn cơn cho thị trường vàng khó có thể đến từ tiền nóng ở Mỹ, vì vậy, những người mua có nhiều khả năng nhất sẽ là các nhà đầu cơ Trung Quốc với đòn bẩy tài chính cao.
Thông thường, giá vàng tăng vọt có thể sẽ làm giảm bớt cơn mua vào điên cuồng đối với vàng thỏi, nhưng thị trường lại đang cho thấy khả năng phục hồi một cách bất thường. Người tiêu dùng Trung Quốc thường mua vàng khi giá giảm, điều này giúp thiết lập mức giá sàn cho thị trường trong thời kỳ suy thoái. Thế nhưng, lần này thị trường không theo “luật chơi” đó, bởi họ chấp nhận mua vào với giá cao, từ đó thúc đẩy nhu cầu và đưa giá vàng lên mức cao hơn nhiều.
Mặc dù Trung Quốc khai thác nhiều vàng hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng Bắc Kinh vẫn nhập khẩu rất nhiều vàng và số lượng ngày càng lớn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng cường mua vàng trong 17 tháng liên tiếp và đây là đợt mua vào dài nhất từ trước đến nay, vì cơ quan này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình bên cạnh USD và phòng ngừa sự mất giá của nhân dân tệ. Trong 2 năm qua, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng hơn 2.800 tấn vàng - nhiều hơn toàn bộ lượng vàng mà các quỹ hoán đổi danh mục trên toàn cầu quản lý, tương đương 1/3 lượng dự trữ do Fed nắm giữ.
Con số kỷ lục đi kèm yếu tố đầu cơ
Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng phi thường của vàng là nhu cầu không ngừng của Trung Quốc, khi những người mua nhỏ lẻ, nhà đầu tư quỹ, thậm chí cả ngân hàng trung ương nước này coi vàng thỏi là phương tiện lưu trữ giá trị trong những thời điểm bất ổn.
Giao dịch vàng trên sàn SHFE đã bùng nổ với khối lượng trung bình hàng ngày của tháng 4 tăng gần gấp ba lần so với 12 tháng trước đó. Đáng chú ý, khối lượng vàng giao dịch trên sàn này đạt đỉnh khoảng 1.200 tấn vào ngày 15/4, cao nhất kể từ năm 2019, trước khi giá vàng bắt đầu giảm trong tuần này.
“Chúng tôi biết từ các thị trường hàng hóa khác rằng, đôi khi, các nhà giao dịch Thượng Hải trở thành những người chơi chiếm ưu thế nhất. Điều đó thực sự chưa bao giờ xảy ra với vàng, nhưng tôi nghĩ, bây giờ điều này có thể đã thay đổi”, ông John Reade, chiến lược gia trưởng thị trường tại Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhận xét.
Đối với những nhà đầu tư vàng dài hạn, đó có thể là một mối lo ngại nếu lợi nhuận trở nên mong manh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã kêu gọi thận trọng khi theo đuổi đà tăng của giá vàng, trong khi sàn SHFE nâng yêu cầu ký quỹ để ngăn chặn đầu tư liều lĩnh và chấp nhận rủi ro quá mức.
Điều đáng chú ý là, mặc dù khối lượng vàng giao dịch qua sàn SHFE tăng vọt, nhưng số lượng hợp đồng chưa thanh toán hầu như không thay đổi. Điều đó cho thấy, những người tham gia giao dịch trong ngày không hướng đến dài hạn.
Nhìn lại giá vàng những tuần qua, vàng thỏi đã trượt giá 2,7% vào ngày đầu tuần (22/4) và tiếp tục giảm thêm vào ngày 23/4, một biến động mà ông John Reade cho là do các nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời. Đến ngày 25/4, giá vàng mặc dù nhích 0,6%, lên mức 2.329,39 USD/ounce, nhưng vẫn thấp hơn 100 USD so với mức cao nhất mọi thời đại là 2.431,29 USD được thiết lập ngày 12/4. (Mới nhất, thời điểm ngày 7/5, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.327,8 USD/ounce).
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Ngân hàng đầu tư TD Securities cho rằng, lực lượng thống trị mua vào trên thị trường vàng là những người mua có ví “cộm”, bao gồm các tổ chức liên kết với nhà nước như ngân hàng trung ương và các quỹ tài sản quốc gia. Ông Ghali lưu ý, hoạt động mua vào đó có mối tương quan chặt chẽ với sự suy yếu của đồng nhân dân tệ và đây có thể là động cơ mua vào của các nhà giao dịch trên sàn SHFE.
“Các giao dịch trên sàn SHFE cho thấy sự đầu cơ bán lẻ và điều đó có thể liên quan đến áp lực tiền tệ. Đây không chỉ là vấn đề đối với các ngân hàng trung ương, mà còn là vấn đề đối với những nhà giao dịch hàng ngày, những người nhận thấy đồng tiền của họ đang mất giá và muốn phòng ngừa rủi ro”, ông Ghali nhận định.
Theo ông Philip Klapwijk, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tài sản Precious Metals Insights, vẫn còn dư địa để nhu cầu mua vàng tăng lên. Trong bối cảnh các lựa chọn đầu tư ở Trung Quốc còn hạn chế, cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này vẫn kéo dài, thị trường chứng khoán biến động và đồng nhân dân tệ suy yếu đều là những nguyên nhân dòng tiền dịch chuyển và đổ vào những tài sản được coi là an toàn hơn, mà vàng thường được xếp đứng đầu danh mục.
Một cách ít điên cuồng hơn để đầu tư vào vàng là thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và số liệu phản ánh rằng, sức nóng vẫn đến từ thị trường Trung Quốc. Theo Bloomberg Intelligence, hầu như mỗi tháng dòng tiền đều chảy vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đại lục, kể từ tháng 6/2023. Điều này trái ngược với dòng vốn chảy ra mạnh mẽ của các quỹ vàng các nơi khác trên thế giới.
Cụ thể, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đã đạt hơn 1,3 tỷ USD kể từ đầu năm đến đầu tháng 4, trong khi các quỹ ETF vàng bên ngoài Trung Quốc chứng kiến dòng tiền tháo chạy lên tới 4 tỷ USD. Những hạn chế trong việc đầu tư vào Trung Quốc một lần nữa là một yếu tố đẩy dòng tiền chuyển hướng sang vàng do người Trung Quốc có ít lựa chọn hơn ngoài bất động sản và cổ phiếu trong nước.
“Nhu cầu mua vàng của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa việc nắm giữ danh mục tài sản của họ”, bà Rebecca Sin, nhà phân tích ETF tại Bloomberg Intelligence nhận định.