Ngân hàng lớn có lợi thế
Thị trường liên ngân hàng là nơi các ngân hàng vay và cho vay lẫn nhau, lãi suất thấp chứng tỏ hệ thống ngân hàng dư dả vốn và ngược lại.
Trước đây, khi một số ngân hàng nhỏ thiếu vốn, thị trường này từng chứng kiến mức lãi vay "cắt cổ" tới 24%/năm.
Tuy nhiên, tình hình trên đã có những thay đổi khi ngày 8/6/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 19/2012/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 11/6/2012. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm… Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Gần đây nhất, ngày 30/9/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1729/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2020, thay thế Quyết định số 919/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4%/năm.
Có thể các ngân hàng đang thiếu vốn
Từ ngày 29/4/2021 đến 7/5/2021, lãi suất liên ngân tiếp tục có diễn biến tăng ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt 0,31%/năm, 0,23%/năm và 0,21%/năm, lên tương ứng là 1,21%/năm, 1,35%/năm và 1,41%/năm. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng của 3 kỳ hạn này đã vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm 2021 và cao hơn mức trung bình trong năm 2020 (dưới 1,15%/năm). Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2/2021 tới nay.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh hơn huy động và các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu chính phủ, nhiều khả năng khiến thanh khoản căng thẳng cục bộ, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trong bối cảnh tín dụng tăng. Tính tới ngày 16/4/2021, dư nợ tín dụng đạt mức tăng 3,34% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4/2020. Mặt khác, huy động vốn có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3/2021, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 0,54%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 1,47%.
Cầu vốn tăng mạnh trong khi mức tăng cung vốn thấp hơn, không đáp ứng nhu cầu, nhiều khả năng đã tạo áp lực lên diễn biến của lãi suất liên ngân hàng.
“Có thể các ngân hàng đang thiếu vốn do mạnh tay cho vay hơn bởi lạc quan trước tình hình thị trường. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chủ động cho vay ngay từ những tháng đầu năm, chứ không để đến nửa cuối năm mới đẩy mạnh như nhiều năm trước. Tuy nhiên, tình huy động lại không song hành với thực tế cho vay, nên đã có những khó khăn nhất định về thanh khoản. Thiếu thanh khoản thường là các ngân hàng nhỏ, do vậy, các ngân hàng này tập trung vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất tăng mạnh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo một thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố, lãi suất huy động trung bình tăng 0,02 - 0,03%/năm đối với 2 kỳ hạn là 6 tháng và 12 tháng. Diễn biến tăng chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hoá nhỏ (dưới 5.000 tỷ đồng), với mức tăng 0,06%/năm ở cả 2 loại kỳ hạn. Ngược lại, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh duy trì mức lãi suất huy động của tháng trước đó. Trong khi đó, nhóm ngân hàng vốn hoá lớn gần như không thay đổi lãi suất huy động, chỉ tăng 0,01%/năm với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
Bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Khối Quản trị Tài chính và Nguồn vốn SCB cho biết, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất VND tăng trên thị trường liên ngân hàng là do tháng 4 vừa qua, lãi suất trái phiếu tăng, các ngân hàng tận dụng mức chênh lệch để giao dịch.
Thống kê cho thấy, có 26.302 tỷ đồng trái phiếu được huy động thành công trong tháng 4/2021 từ Kho bạc Nhà nước, tăng 115% so với tháng 4 và tăng 756% so với cùng kỳ năm 2020.
Dựa trên dữ liệu các phiên đấu thầu trái phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, VCBS cho hay, trong tháng 4/2021, Kho bạc Nhà nước lần lượt huy động 3.169 tỷ đồng, 14.150 tỷ đồng, 7.823 tỷ đồng, 350 tỷ đồng và 810 tỷ đồng trái phiếu tại các kỳ hạn tương ứng 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Cùng với lượng huy động qua trái phiếu tăng mạnh, lợi suất trái phiếu trong tháng 4 tăng nhẹ. Lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm có mức tăng 0,06 - 0,09%/năm so với tháng 3, lần lượt lên 1,16%/năm, 2,36%/năm và 2,56%/năm. Lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 20 năm và 30 năm không đổi, lần lượt ở mức 2,89%/năm và 3,05%/năm.
Trong kế hoạch phát hành của Kho bạc Nhà nước, đơn vị này dự kiến phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý II/2021 và hiện hoàn thành được 26,3%. Như vậy, trong các tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 65.507 tỷ đồng trái phiếu (tương ứng 18,72% kế hoạch năm 2021).
“Thành viên tham gia đấu thầu trái phiếu chính phủ chủ yếu vẫn là các ngân hàng, bởi đây là giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao và rủi ro bằng 0. Việc các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu chính phủ nhiều khả năng khiến thanh khoản căng thẳng cục bộ, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian qua. Tôi không nhìn thấy tình trạng cá lớn nuốt cá bé”, TS. Hiếu nói.
Bà Trịnh Thị Thanh cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tăng chỉ mang tính thời điểm, hiện lãi suất đã bắt đầu giảm nhiệt, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.