Với triển vọng lạc quan của nền kinh tế và  sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, TTCK Việt Nam vẫn có sức hút với dòng vốn ngoại

Với triển vọng lạc quan của nền kinh tế và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, TTCK Việt Nam vẫn có sức hút với dòng vốn ngoại

Giải mã khối ngoại bán ròng

(ĐTCK) Khối ngoại duy trì việc bán ròng sau khi chỉ số chứng khoán chạm đỉnh lịch sử, đặc biệt bán ra mạnh ở những cổ phiếu blue-chips đã tăng giá mạnh trong giai đoạn trước.

Dòng tiền ngoại chuyển hướng

Khối ngoại có mức bán ròng rất mạnh bắt đầu từ tháng 2/2018 và khối lượng bán ròng tính đến đầu tháng 5 đã vượt khối lượng mua rất mạnh tính theo tháng là tháng 1/2018 (nằm trong Top tháng mua mạnh nhất lịch sử của khối ngoại). Từ đầu tháng 5 tới ngày 17/5, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Việc bán ròng diễn ra chủ yếu ở các cổ phiếu blue-chips. Động thái bất ngờ này của khối ngoại trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh tốt, đã khiến nhiều nhà đầu tư nội hoang mang.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng đưa ra hai nguyên nhân để lý giải cho động thái bán ròng của khối ngoại. Thứ nhất, nhóm blue-chips được khối ngoại mua nhiều ở giai đoạn trước và nay giá nhiều cổ phiếu đã tăng vượt mức kỳ vọng, P/E (thị giá trên thu nhập trên mỗi cổ phần) của nhiều mã tăng cao hơn mức trung bình của thị trường, thậm chí nhiều mã đang có P/E ở mức 50 lần. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thời gian qua dù có P/E vừa phải, nhưng P/B (thị giá trên giá trị sổ sách của cổ phiếu) lại ở mức 3 lần, vì thế việc chốt lời trở nên mạnh hơn.

Thứ hai, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, thậm chí có lúc xấp xỉ cân bằng với trái phiếu Việt Nam cũng được cho là có tác động đến vốn ngoại. Lợi tức trái phiếu của Mỹ hiện đã tăng lên mức cao nhất 5 năm, chạm ngưỡng 3,0259%/năm, lợi tức trái phiếu tăng gắn liền với dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn so với dự kiến và có thể Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 và điều này ít nhiều tác động đến dòng vốn ngoại tại các thị trường cận biên, mới nổi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, các đợt IPO lớn đầu năm nay đã thu hút một lượng lớn tiền của các quỹ đầu tư. Nhìn lại diễn biến của các đợt đấu giá của BSR, PVOil, PV Power cho thấy, khi đấu giá các doanh nghiệp này thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng đồng thời phải cơ cấu lại danh mục.

Tương tự như vậy, đợt bán vốn tại hai doanh nghiệp lớn là Vinhomes (gần 1,3 tỷ USD) và Techcombank (gần 1 tỷ USD), các quỹ bắt buộc phải cơ cấu danh mục để dành room cho các cổ phiếu này. Trong phiên giao dịch ngày 18/5, nhà đầu tư nước ngoài đã mua 28.547 tỷ đồng cổ phiếu Vinhomes, giúp cân bằng lại lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.

Thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, lượng vốn góp thông qua M&A của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm đạt 2,26 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn này đóng góp cho sự ổn định vĩ mô, nhưng ít có tác động đến xu hướng của thị trường chứng khoán.

Vốn ngoại sẽ quay lại trong nửa cuối năm?

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh trong thời gian qua giúp giá trị của nhiều công ty trên sàn rẻ hơn, hay ít nhất trở về mức cân bằng. Theo ông Khánh, điều này cộng với việc kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt, việc bán ròng của khối ngoại sẽ giảm bớt. Tất nhiên, trong ngắn hạn, dòng tiền của khối ngoại chưa thể quay lại mạnh mẽ.

Ông Khánh cũng cho rằng, các quỹ đầu tư ngoại khi đạt được mức lãi kỳ vọng thì họ sẽ bán ra, hoặc đơn thuần khi kết thúc chu kỳ đầu tư, quỹ buộc phải thanh lý cổ phiếu.

Công ty Chứng khoán Vietinbank cũng có cái nhìn khá tích cực về diễn biến của dòng vốn ngoại. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẵn sàng mua thêm các cổ phiếu tốt, nhưng do bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu nên không thể tăng thêm tiền đầu tư và trong ngắn hạn khó xảy ra đợt rút ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi thị trường.

Nhận định động thái bán ròng của khối ngoại trong gần hai tháng trở lại đây ảnh hưởng đáng kể tới diễn biến tiêu cực của chỉ số VN-Index, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, đây vẫn là yếu tố chi phối diễn biến chỉ số VN-Index cũng như tâm lý nhà đầu tư trong nước thời gian tới.

Theo BVSC, trên thực tế, nhà đầu tư ngoại không chỉ bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn ở nhiều thị trường thuộc nhóm mới nổi và cận biên khác. Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và châu Âu, cùng với mức độ rủi ro đối với thị trường tài chính toàn cầu gia tăng do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay các cuộc xung đột địa chính trị.

Trong ngắn hạn, xu hướng bán ròng của khối ngoại khó có thể đảo chiều mạnh mẽ. Tuy nhiên, với triển vọng lạc quan của nền kinh tế Việt Nam, cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn riêng và có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng trong hai quý cuối năm.

Tin bài liên quan