Trong tuần qua, NĐT nước ngoài đã giảm bán ròng, nhưng việc bán ròng một số mã chủ chốt như: VIC, HAG, KDC, MSN, KBC, GAS, BVH... trong bối cảnh lực cầu suy yếu là một tín hiệu không tích cực. Trong đó, từ ngày 17 - 23/10, Quỹ VNM ETF vẫn tiếp tục rút ra 14,85 triệu USD (tương đương 300 tỷ đồng).
Theo nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK MB (MBS), bán ròng của khối ngoại vẫn là một ẩn số và tác động không tích cực tới tâm lý chung của giới đầu tư. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy giá thấp gia tăng trong những phiên giảm điểm cuối tuần qua báo hiệu khả năng thị trường cân bằng hơn trong tuần này.
Thực ra, việc bán ròng của khối ngoại không chỉ diễn ra tại TTCK Việt Nam, mà là động thái chung tại nhiều TTCK châu Á khác, như Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan... Nhận định được đưa ra từ ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng phân tích, CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), việc khối ngoại bán ròng vẫn xoay quanh câu chuyện gói QE của Mỹ sắp kết thúc và tăng trưởng toàn cầu được dự báo yếu hơn so với kỳ vọng.
Tại TTCK Việt Nam, việc gia tăng bán ròng của khối ngoại có liên quan không nhỏ đến chu kỳ tăng giảm của thị trường. Hai quỹ ETFs lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam có giá trị tài sản xấp xỉ 1 tỷ USD và mô thức đầu tư của các quỹ này là mua ròng khi thị trường tăng và bán ra khi thị trường giảm, nhằm đảm bảo việc cân đối giữa NAV và thị giá của chứng chỉ quỹ. Do TTCK Việt Nam bước vào chu kỳ điều chỉnh giảm từ tháng 9 đến nay, nên không có gì ngạc nhiên khi các quỹ ETFs luôn duy trì trạng thái bán ròng là chủ đạo.
Theo ông Lâm, việc một số quỹ đầu tư chuyển đổi loại hình từ quỹ đóng sang quỹ mở cũng tạo ra một số xáo trộn nhất định, khi cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, chu kỳ điều chỉnh của TTCK Việt Nam có thể gần kết thúc, áp lực bán ra của khối ngoại sẽ giảm trở lại. Thực tế, tính từ đầu tuần trước đến nay, khối ngoại đã bắt đầu quay lại trạng thái mua ròng nhẹ trên HOSE, với giá trị gần 200 tỷ đồng.
Đồng quan điểm với ông Lâm, ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích cao cấp CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, việc bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua có thể đến từ nhiều lý do, như giá dầu giảm mạnh, khiến họ bán ra nhiều cổ phiếu nhóm dầu khí, đồng thời hai quỹ ETF bán ra do chứng chỉ quỹ giao dịch với tỷ lệ discount lớn. “Áp lực bán sẽ còn tiếp diễn, nhưng không quá lớn như giai đoạn giữa tháng 10/2014”, ông Minh nói.
Trong phiên đầu tuần này, hai chỉ số đã giảm mạnh dưới các mức hỗ trợ 580 điểm của chỉ số VN-Index, và 85,5 của chỉ số HNX-Index. Lực cầu suy yếu cho thấy tâm lý chung của giới đầu tư khá thận trọng do lo ngại biến động thị trường. Báo cáo kết quả kinh doanh quý III mặc dù đã ra nhưng không có bất ngờ nào, trong đó kết quả kinh doanh của nhóm VN30 không được tốt như kỳ vọng.
Ông Sơn cho biết, về kỹ thuật, VN-Index đang hình thành xu hướng giảm rõ ràng và khả năng trong tuần này sẽ kiểm nghiệm lại mức hỗ trợ mạnh MA200, tương ứng vùng 580 điểm. Hiện đang là mùa công bố báo cáo tài chính quý III, do đó, những mã có kết quả kinh doanh khả quan sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền bắt đáy khi các cổ phiếu này giảm về các mức giá hấp dẫn.
Nhận định về xu hướng của thị trường, ông Minh cho biết, mức hỗ trợ tiếp theo là 575 với chỉ số VN-Index và 84,0 với chỉ số HNX-Index. Tuy nhiên, đà giảm ngắn hạn đang có xu hướng mở rộng và việc bắt đáy sẽ tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, trong trường hợp xấu nhất, kỳ vọng thị trường sẽ cân bằng và đà giảm có thể kết thúc tại mức hỗ trợ 565 điểm của chỉ số VN-Index và 81,0 điểm của chỉ số HNX-Index.
Các CTCK đưa ra khuyến nghị, với các NĐT chấp nhận rủi ro cao thì chiến lược ngắn hạn có thể xem xét gom mua trong vùng 570 - 580 điểm, với kỳ vọng sóng hồi phục T+. Các NĐT thận trọng, nên đứng ngoài thị trường, hạn chế bắt đáy cho đến khi điểm cân bằng được xác lập và thanh khoản gia tăng theo chiều hướng tăng của thị trường. Đối với NĐT trung và dài hạn thì đây là cơ hội giải ngân cổ phiếu cơ bản tốt với giá hợp lý.